(kontumtv.vn) – Là địa phương có nhiều thế mạnh về mặt nước lòng hồ thủy điện, thủy lợi, rất thuận lợi trong việc nuôi trồng thủy sản, những năm gần đây, ngoài việc nuôi cá nước ngọt ở các ao hồ, người dân huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) đã nuôi cá lồng bè rất hiệu quả và tạo ra hướng đi mới cho ngành nghề này.

Mặc dù có kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá ao hồ kiểu khép kín, nhưng sau khi thấy rõ lợi thế về nguồn nước phong phú, anh Nguyễn Đình Khuynh (thôn 5, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) đã mạnh dạn đầu tư vốn để đẩy mạnh nuôi cá lồng. Anh cho biết, lợi thế ở nuôi cá lồng là con cá ít dịch bệnh vì nhờ nguồn nước luôn sạch và thứ hai là ít tốn chi phí. Anh Khuynh nói: “Mình có nuôi cá ao cách đây mấy năm rồi, nhưng mô hình nuôi cá lồng  nói về hiệu quả kinh tế thì  cao hơn rất nhiều. Nói chung chi phí thức ăn giảm, thời gian nuôi giảm, khi đánh bắt nhanh gọn và thuận tiện hơn”.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Plei Krông
Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Plei Krông

Nhận thấy có hiệu quả, hiện nay rất nhiều người dân nuôi cá trên địa bàn huyện Đăk Hà đã chuyển sang nuôi cá lồng. Đặc biệt, huyện đã thành lập hợp tác xã nuôi cá lồng để nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Plei Krông rất quy mô và hiện đại. Mỗi chiếc bè khi xuất ra thị trường mỗi lứa cả hàng trăm tấn cá. Hai loại cá rất thích hợp để nuôi lồng là cá điêu hồng và rô phi.

Hiện nay huyện Đăk Hà có trên 200 lồng bè đã được nuôi tại lòng hồ thủy điện Plei Krông và các hồ đập thủy lợi trên địa bàn. Theo đánh giá, mỗi lồng khi xuất bán đạt từ 2,5 – 3 tấn cá. Giá cá điêu hồng hiện tại 50.000 đồng/kg, cá rô phi  từ 40.000 – 45.000đ/kg. Hai loại cá này ở thị trường Kon Tum và Gia Lai cung vẫn không đủ cầu và phải nhập từ thị trường thành phố Hồ Chí Minh về. Bước đầu, nhờ có kết quả khả quan, đến nay đã có không ít doanh nghiệp đứng ra cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm cho người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.  Ông  Nguyễn Hữu Tá, Trung tâm cá giống Tá Tiến, huyện Đăk Hà cho biết: “Để đảm bảo được công việc cho người chăn nuôi thì chúng tôi đầu tư giống, đầu tư thức ăn, thông báo giá trước để cho người chăn nuôi yên tâm. Lâu dài và đầu ra thì hướng của chúng tôi là sẽ mở rộng sang các tỉnh khác. Bởi vì ở đây nguồn nước tốt, cá mau lớn, người chăn nuôi có lãi thì chúng tôi sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ”.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích mặt nước ao hồ nhỏ ngày càng bị thu hẹp, việc người dân tổ chức nuôi cá lồng bè trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi được cho là giải pháp rất hiệu quả, tạo đà để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

                                                                Duy Phong – Quang Mẫn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *