(kontumtv.vn) – Cách đây 43 năm, ngày 16/5/1974, cùng với bộ đội chủ lực, quân và dân tỉnh Kon Tum đã tấn công tiêu diệt căn cứ Đăk Pét, một trong những cứ  điểm quan trọng còn sót lại của Ngụy quyền Sài Gòn ở phía bắc tỉnh Kon Tum. 

Đã 43 năm trôi qua, nhưng ký ức về những giờ phút ác liệt tham gia giải phóng cứ điểm Đăk Pét, khu trung tâm đầu não của Ngụy quyền Sài Gòn ở quận lỵ Đăk Pét vẫn còn in đậm trong tâm trí của cựu chiến binh A Lơn (thôn 14A, xã Đăk Pét), người 4 lần tham gia đánh vào cứ điểm Đăk Pét vào các năm 1968, 1972, 1973 và tháng 5/1974. Cựu chiến binh A Lơn cho biết, trước năm 1974, ta chưa giải phóng được Đăk Pét là vì hệ thống phòng ngự của địch được xây dựng kiên cố, hỏa lực mạnh, có pháo binh và được không quân yểm trợ. Đặc biệt cụm cứ điểm của địch được xây dựng xen kẽ với khu dân cư nên gây khó khăn cho ta trong tấn công. CCB A Lơn nói: “Các trận đánh lúc đó ta không thắng được là do chúng ta đánh chủ yếu bằng bộ binh, đặc công, các năm đó chúng ta không có các loại pháo lớn”.

Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Pét
Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Pét

Trong chiến dịch giải phóng Đăk Pét, CCB A Lơn thuộc biên chế Đội công tác vũ trang H 40, với nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực tấn công địch. Trước đó, đơn vị ông nhận nhiệm vụ chuẩn bị địa điểm, lương thực, thực phẩm để sơ tán người dân trong cứ điểm Đăk Pét sau khi được giải phóng. Lúc bấy giờ hệ thống pháo binh, pháo phòng không của ta mạnh nên không sợ máy bay và pháo binh địch. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác dân vận, binh vận, tổ chức quần chúng nhân dân nổi dậy kết hợp với đánh bằng quân sự, nên cứ điểm Đăk Pét được giải phóng mà ít xảy ra tổn thất cho quân và dân ta. CCB A Lơn kể: “Năm 1974 chúng ta thắng là lúc đó ta đánh lớn, ta có pháo lớn ở các đồi, có xe tăng. Mà lúc đó nếu không có xe tăng chúng ta vẫn thắng”.

Là cứ điểm quan trọng của địch ở Bắc Kon Tum, Cứ điểm Đăk Pét có Tiểu đoàn 88 Biệt động quân cùng 36 đồn bót, với hơn 1.000 tên địch. Bên trong cứ điểm chúng xây dựng 10 ấp chiến lược để giam giữ hơn 30.000 người dân địa phương. Xác định tiêu diệt cứ điểm này là nhiệm vụ quan trọng, 8 giờ sáng 16/5/1974 ta phát lệnh tấn công và sau 4 giờ chiến đấu, toàn bộ địch ở căn cứ Đăk Pét đều bị tiêu diệt và bắt sống. Trong trận này ta đã đánh tan Tiểu đoàn Biệt động quân 88, bắt sống trên 400 tù binh, trong đó có tên thiếu tá Tiểu đoàn trưởng. Chi khu quận lỵ Đăk Pét được giải phóng đã góp phần hoàn chỉnh vùng giải phóng của tỉnh Kon Tum, tạo thế và lực mới cho ta ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Thời gian và sự phát triển đã làm đổi thay nhiều thứ, vùng đất lắm bom, nhiều đạn, nhiều ấp chiến lược của quận lỵ Đăk Pét xưa kia giờ đã là khu trung tâm đô thị sầm uất của xã Đăk Pét và thị trấn Đăk Glei. Nhiều thế hệ được sinh ra và lớn lên ngay sau ngày Đăk Pét được giải phóng đã và đang tiếp tục kế thừa truyền thống để xây dựng quê hương Đăk Pét, Đăk Glei phát triển. Thầy giáo Bùi Văn Đăng, Bí thư Đoàn Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Đăk Glei nói: “Để các em biết được ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến thắng Đăk Pét, nhà trường và Đoàn trường tổ chức chương trình ngoại khóa cũng như các cuộc thi tìm hiểu chiến thắng Đăk Pét cho các em hiểu ý nghĩa sâu xa của chiến thắng Đăk Pét quan trọng thế nào đối với các em và giúp các em biết được học tập trên ghế nhà trường là nhờ công ơn to lớn của thế hệ cha anh”.

Đã 43 năm trôi qua, nhưng ý nghĩa của chiến thắng Đăk Pét vẫn còn nguyên giá trị, đó là chiến thắng của tinh thần quyết tâm cao, chiến thắng của sự phối hợp tài tình giữa tiến công và nổi dậy của lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân. Với ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng trong giáo dục truyền thống, ngày 20/6/2006 UBND tỉnh Kon Tum đã công nhận Di tích lịch sử cách mạng chiến thắng Đăk Pét là di tích lịch sử cấp tỉnh.

                                                Văn Hiển – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *