(kontumtv.vn) – Sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình hỗ trợ sau đầu tư cho hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã có những chuyển biến tích cực. Các hộ đã thay đổi nhận thức, chủ động đầu tư phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Kon Tum về lựa chọn một số xã triển khai thực hiện thí điểm mô hình dự án hỗ trợ sau đầu tư phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, từ năm 2018 đến nay, huyện Đăk Tô đã triển khai hỗ trợ cho gần 120 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo xã Văn Lem, Đăk Trăm, Ngọc Tụ, Diên Bình trồng 45 ha cà phê, sắn, mía và chanh dây. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng. Phương thức triển khai mô hình là người dân đăng ký tham gia được hướng dẫn kỹ thuật, mua giống, phân bón, làm đất và chọn cây giống trồng phù hợp với thổ nhưỡng. Sau đó, UBND xã và các phòng chuyên môn tiến hành nghiệm thu thực tế, các hộ trồng cây đạt yêu cầu sẽ được cấp tiền hỗ trợ. Ông Lê Thành Thọ, Chủ tịch UBND xã Văn Lem cho biết: “Quá trình triển khai thực hiện, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thì họ chấp hành nghiêm túc, từng bước, từng giai đoạn, công đoạn hướng dẫn họ thực hiện nghiêm túc, từ đó cũng tạo cho họ được ý thức trong làm ăn”.

DAK TO CHUYEN BIEN TICH CUC TU MO HINH HO TRO SAU DAU TU

“Đảng, chính quyền, Nhà nước quan tâm cũng được hỗ trợ một phần tiền mua giống, phân. Qua thời gia đầu tư thu được lứa ban đầu cũng được hơn 300 triệu, nhà vườn cũng lấy được vốn đầu tư ban đầu, cộng với Nhà nước hỗ trợ là lấy lại được vốn đầu tư ban đầu”. Anh A Minh (thôn Tê Rông, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô) chia sẻ.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, mô hình đã làm thay đổi nhận thức của hộ nghèo, cận nghèo. Các hộ không còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước mà đã chủ động đầu tư phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất của mình. Đó là ưu điểm nổi trội của mô hình, khắc phục những tồn tại, hạn chế các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trước đây thường gặp. Ông Ngô Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: “Thực hiện hỗ trợ sau đầu tư sau một năm thực hiện kết quả đem lại rất rõ nét. Kết quả lớn nhất đó là mình hỗ trợ kết quả mang lại gần như đạt 100%. Ví dụ như trước kia mình hỗ trợ giống, phân bón người ta sản xuất thì khi chúng ta đưa giống, phân bón cho người ta có khả năng sử dụng hết và có khả năng không sử dụng hết, như thế lãng phí. Bây giờ họ đầu tư xong rồi, thì trên cơ sở đó chúng ta nghiệm thu, thanh toán theo giá Nhà nước quy định, như vậy kết quả đạt cao nhất”.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện hỗ trợ sau đầu tư vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Ông Ngô Văn Liêm cho biết: “Hỗ trợ sau đầu tư mang lại kết quả rất cao. Tuy nhiên, hiện nay cái cơ chế thực hiện chính sách này từ Trung ương đến tỉnh chưa ban hành được nội dung này, cho nên huyện làm thí điểm, nhưng mà mở rộng làm thì nó không đúng theo quy định hiện hành. Bởi vì mình thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho người sau khi đã có kết quả đầu tư, còn chính sách hiện tại bây giờ thì phần lớn mình đấu thầu mua cây, con, vật tư để cấp cho dân nên khác nhau chỗ đó”.

Từ kết quả mô hình dự án hỗ trợ sau đầu tư phát triển sản xuất thời gian qua trên địa bàn, UBND huyện Đăk Tô kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương nhân rộng mô hình đối với các dự án hỗ trợ sản xuất trong năm 2019 và những năm tiếp theo; xem xét, cho cơ chế hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ tham gia dự án hỗ trợ sau đầu tư, không qua đấu thầu và không thực hiện cơ chế thu hồi vốn đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *