(kontumtv.vn) – Ghi nhận ý kiến bên lề Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học cho rằng, diễn đàn được tổ chức thời điểm này là cần thiết, góp phần đưa ra các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, việc diễn đàn năm nay đổi tên từ “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam” sang “Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam” cho thấy, nội dung thảo luận và tham vấn ý kiến của chuyên gia tại diễn đàn năm nay không chỉ có những vấn đề kinh tế mà còn tập trung cả vấn đề xã hội. Qua đó, đánh giá đúng vai trò của các vấn đề xã hội trong nền kinh tế như: lao động, an sinh xã hội, mức sống dân cư…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, kinh tế đang có xu hướng phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên còn chưa bền vững. Từ bên trong, các nền tảng tăng trưởng còn chưa vững, kinh tế vĩ mô còn chưa thực sự ổn định, thị trường tài chính còn có bất ổn, lao động và an sinh xã hội còn chưa hoàn toàn hồi phục. Ở bên ngoài, địa chính trị phức tạp, lạm phát toàn cầu gia tăng, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn. Vì vậy, ý nghĩa của diễn đàn lần này nhằm tìm ra những điểm quan trọng, đặc biệt củng cố nền tảng vĩ mô để thúc đẩy và phục hồi kinh tế.

Nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đề xuất Chính phủ cần quán triệt ba quan điểm cơ bản sau khi đưa ra các chính sách. Cụ thể, các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với COVID-19”. Để đảm bảo cân bằng bên trong của nền kinh tế thì sản lượng cần được duy trì gần mức tiềm năng; thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng. Tuy nhiên, chính sách cũng cần được nới lỏng một cách thận trọng để tránh gây rủi ro, bất ổn kinh tế vĩ mô. Khi dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan toả lớn đến nền kinh tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài Chính cho rằng: Việc thực hiện tốt chính sách tài khoá năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp và nền kinh tế chưa thực sự có những đột phá về mô hình tăng trưởng sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn. Năm 2023 – 2025 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được.

Tại điểm cầu Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá cao các nội dung thảo luận ở diễn đàn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Thế Nguyên, Phó Trưởng khoa Kinh tế Chính trị – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Nội dung các thảo luận rất trúng và đúng với mong muốn của Diễn đàn. Các bài tham luận đã phân tích được đầy đủ các vấn đề kinh tế – xã hội, thực trạng và các thách thức, đưa ra được các giải pháp khá bao trùm và cả cụ thể nhằm phục hồi kinh tế đất nước trong giai đoạn mới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Thế Nguyên nhấn mạnh: Diễn đàn được tổ chức thời điểm này là vô cùng cần thiết, nhằm rà soát, đánh giá lại các chính sách mà Chính phủ, Quốc hội, các ban, ngành đề xuất. Các tham luận được trình bày tại diễn đàn là những nghiên cứu có chất lượng từ các nhà khoa học và các tổ chức, hy vọng sẽ là chìa khóa quan trọng để tiếp tục cải thiện các chính sách sát hơn với thực tiễn, từ đó, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Việt Hà (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *