(kontumtv.vn) – Chúng ta cũng phải đề phòng “chạy” để được luân chuyển, nhất là sắp đến Đại hội Đảng có liên quan đến nhân sự cấp ủy vì thế phải “chạy” để lọt vào danh sách.
LTS: Thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa có quyết định luân chuyển đợt một gồm 44 nhân sự. Trong đó có 25 nhân sự giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, 19 nhân sự giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương) xung quanh vấn đề nêu trên.
Luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng, phù hợp với quy luật phát triển của cán bộ trước đây cũng như trong thời kỳ đổi mới. Từ trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng đã có chủ trương điều cán bộ từ cơ quan trung ương về nhận vai trò lãnh đạo chủ chốt ở địa phương. Và ngược lại, điều cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo các tỉnh, thành lớn về nhận công tác tại cơ quan Trung ương.
Ông Nguyễn Đình Hương. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tôi còn nhớ Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) có chủ trương luân chuyển cán bộ để tạo nguồn cho nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa X, theo đó điều động 18 cán bộ từ Trung ương xuống giữ chức phó bí thư các tỉnh. Và đến đại hội X (năm 2006), nhiều cán bộ luân chuyển đã được giới thiệu bầu vào Ban chấp hành Trung ương.
Chủ trương luân chuyển cán bộ có tác dụng làm cho người lãnh đạo được thử thách trong thực tế công việc, đồng thời giúp cán bộ có sự hiểu biết toàn diện hơn. Cán bộ phụ trách một ngành ở Trung ương thì kiến thức thường chỉ chuyên sâu một vài việc, còn khi đưa xuống tham gia cấp ủy địa phương qua thực tiễn sẽ có sự hiểu biết nhiều lĩnh vực hơn.
Trong thực tế công tác điều động và luân chuyển cán bộ lãnh đạo có trường hợp không thành công, song cũng nhiều trường hợp thành công. Như trước đây một số cán bộ khi điều từ cơ quan Trung ương về TP Hà Nội và TP.HCM, sau khi được sự tín nhiệm bầu làm Bí thư và được Đại hội Đảng các khóa bầu vào Bộ Chính trị, có những đồng chí đã được giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (năm 1976), công tác luân chuyển cán bộ là một trong những kênh quan trọng để tạo nguồn cho cán bộ cấp chiến lược sau này. Cụ thể như việc điều một số cán bộ có triển vọng về giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở hai thành phố lớn, qua thử thách thấy được tài năng và sự tín nhiệm trong Đảng bộ, trong nhân dân để chuẩn bị đưa vào danh sách cán bộ dự bị cho các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Trong bài phát biểu của cố Tổng bí thư Lê Duẩn về công tác cán bộ, có một ý mà tôi nhớ mãi: “Đức tài là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá đức tài của cán bộ”.
Chúng ta cũng phải đề phòng “chạy” để được luân chuyển. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, trong công tác điều động luân chuyển cán bộ cũng không phải tất cả đều đạt kết quả như mong muốn. Trong dân gian lưu truyền câu nói: Tiến về bộ, thoái về ban. Có cán bộ chủ trì một địa phương, uy tín đã giảm sút lại điều về giữ chức phó ban Đảng. Luân chuyển cũng có trường hợp chỉ để “tráng men”, nghĩa là chỉ để được coi như đã kinh qua công tác địa phương.
Trong dân gian lưu truyền câu nói: Tiến về bộ, thoái về ban. Có cán bộ chủ trì một địa phương, uy tín đã giảm sút lại điều về giữ chức phó ban Đảng. Luân chuyển cũng có trường hợp chỉ để “tráng men”, nghĩa là chỉ để được coi như đã kinh qua công tác địa phương. |
Các cơ quan có trách nhiệm nên tổng kết rút kinh nghiệm về công tác luân chuyển cán bộ ở một số nhiệm kỳ gần đây, xem cái gì tốt, cái gì chưa tốt. Qua kiểm nghiệm thực tế cho thấy đây là chủ trương đúng, việc luân chuyển góp phần quan trọng tạo điều kiện giúp cho cán bộ có sự hiểu biết toàn diện và tiếp cận với thực tiễn một cách chân thực và nhạy bén.
Đảng ta trong nhiều văn kiện đã khẳng định trách nhiệm người đứng đầu. Vì vậy công tác luân chuyển nhân sự về một địa phương hoặc lên cơ quan trung ương nơi đang gặp nhiều khó khăn, bức xúc, nếu phân công nhân sự đó giữ trách nhiệm chủ trì thì sau 3 năm luân chuyển dễ thấy được hiệu quả công việc hơn. Nếu chỉ giữ vị trí cấp phó ở nơi công việc chung chung thì quả thực khó có khả năng đánh giá đã làm được việc gì giúp địa phương, để lại dấu ấn gì trong nhân dân sau thời gian luân chuyển.
Khâu rất quan trọng là khâu tuyển chọn cán bộ đưa đi luân chuyển. Làm tốt khâu này sẽ tránh được những sai sót đáng tiếc, ví dụ như không hợp nhau nên quyết định cho đi luân chuyển để sau này bố trí công tác nơi khác. Văn kiện Đại hội XI (năm 2011) của Đảng ta đã nêu “tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục”.
Như vậy, chúng ta cũng phải đề phòng “chạy” để được luân chuyển, nhất là sắp đến Đại hội Đảng có liên quan đến nhân sự cấp ủy vì thế phải “chạy” để lọt vào danh sách cán bộ luân chuyển. Các cơ quan giúp cấp ủy tuyển chọn cán bộ luân chuyển phải thật khách quan vô tư thì mới tuyển chọn được cán bộ đủ tiêu chuẩn luân chuyển.
Một khâu quan trọng nữa là đánh giá cán bộ sau thời gian luân chuyển.Thông thường cán bộ sau 3 năm được điều luân chuyển về giữ chức phó bí thư phụ trách công tác xây dựng Đảng đã giúp đảng bộ địa phương làm được vấn đề gì, đem lại hiệu quả thiết thực và được tập thể cấp ủy đánh giá là tốt hay không? Vì trong thực tế, nhiều cán bộ được luân chuyển về địa phương đã có đóng góp thực sự để lại dấu ấn. Nhưng ngược lại cũng có cán bộ qua 3 năm luân chuyển về tham gia lãnh đạo trong cấp ủy địa phương, chỉ giữ cho không để xảy ra khuyết điểm gì phải chê trách, còn hỏi có đóng góp được gì thì khó nói…
Theo tôi, không thể có 100% cán bộ luân chuyển đều đạt kết quả như mong muốn, nếu chỉ đạt 80% cán bộ luân chuyển phát huy được hiệu quả cũng đã là tốt lắm rồi. Tôi rất tin nhiệm kỳ của Đại hội Đảng XI, công tác cán bộ nói chung và công tác luân chuyển cán bộ về tăng cường cho các địa phương sẽ đem lại kết quả góp phần chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII, tăng thêm số cán bộ trẻ tạo nguồn cho các nhiệm kỳ sau.
Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương)
Theo: vietnamnet