(kontumtv.vn) – Việc thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy, có thể nói Đắk Lắk là địa phương đầu tiên tổ chức.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy 2 huyện Buôn Đôn và Lắk. Kế hoạch được ban hành dựa trên cơ sở Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác cán bộ (nêu việc thí điểm tuyển chọn cán bộ).

de xuat tuyen chon bi thu huyen uy co kha thi? hinh 1
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắ k Lắ k chốt danh sách 9 ứng viên dự tuyển chức danh Bí thư Huyện ủy, trong đó 5 ứng viên dự tuyển Bí thư Huyện ủy Lăk và 4 ứng viên dự tuyển Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn (Ảnh: Nhà báo và Công luận)

Đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã thu hút sự chú ý của dư luận. Lãnh đạo cấp ủy ở huyện Buôn Đôn – một trong 2 địa phương được chọn để thực hiện thí điểm, cho biết Ban Thường vụ Huyện ủy đồng thuận rất cao, xem đây là cách làm hay, phù hợp để lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, có nhiều sáng kiến, quyết sách đúng để xây dựng và phát triển huyện.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn bởi trên thực tế việc thi tuyển lãnh đạo Sở hay các Cục, Vụ thuộc Bộ đã được nhiều nơi triển khai thời gian qua. Về bên Đảng, việc thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy, có thể nói Đắk Lắk là địa phương đầu tiên tổ chức.

Trong bối cảnh cần đổi mới công tác cán bộ, đổi mới cách tuyển chọn cán bộ, một mặt giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chọn được cán bộ thực tài, mặt khác để chống chạy, chức chạy quyền trong công tác cán bộ và tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch cho nhiều cán bộ; góp phần tạo ra sự đồng thuận, tin tưởng trong cán bộ, nhân dân.

Liệu rằng mục đích của người đứng đầu cấp ủy tỉnh Đắk Lắk có khả thi, tích cực?

Cách làm đúng hướng

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, cách làm của Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk rất đáng trân trọng và cần tổ chức thực hiện ở nhiều nơi. Trước hết có thể thí điểm, sau đó tổng kết để lựa chọn một phương án, cách thức đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của Đảng. Tuy nhiên, tất cả những việc mới, những việc chưa có tiền lệ thì sẽ có nhiều câu hỏi, vấn đề được đặt ra, rõ ràng niềm tin cũng chưa thể có ngay được. Nhưng nếu chờ để có một phương pháp, quy trình chuẩn thì không bao giờ có được, mà phải có người tiên phong.

de xuat tuyen chon bi thu huyen uy co kha thi? hinh 2
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội 

“Cách làm như của Đắk Lắk tôi cho là hướng đi đúng nếu chúng ta hoàn thiện lên, thông qua một số bước nữa để nó được chặt chẽ hơn”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cách làm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk có sự tiến bộ hơn so với việc bổ nhiệm trước đây nhưng sẽ không tránh khỏi những ý kiến còn băn khoăn, liệu rằng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xem xét khách quan chưa, đã tránh được tư tưởng lựa chọn con ông cháu cha, người thân, người quen của mình chưa, thậm chí có tránh được tình trạng lobby người bổ nhiệm mình hay không bởi rất dễ xảy ra câu chuyện như vậy.

Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, cách làm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk nếu như thêm một bước nữa, tổ chức thi xong rồi bảo vệ đề án hoặc bảo vệ đề án xong sau đó trải qua một cuộc kiểm định lại bằng cách viết một chủ đề nào đó gắn với chức danh Bí thư Huyện ủy; sau đó tập thể thường vụ hoặc những người có chuyên môn, năng lực nghe họ bảo vệ lại đề án đó hoặc trình bày chương trình hành động của họ khi làm Bí thư Huyện ủy, cách thức như vậy sẽ chặt chẽ hơn. Ở khâu này nhất thiết phải có từ 2-3 ứng cử viên để lựa chọn.

“Xu hướng hiện nay sẽ làm như vậy. Quan trọng là chúng ta sắp xếp, bố trí cán bộ phải đúng người, đúng việc hay nói như Bộ Nội vụ là đúng vị trí – việc làm. Ở vị trí – việc làm này thì phải học gì, hiểu biết ra sao, thực tiễn đạt đến mức độ nào, năng lực lãnh đạo, uy tín, khả năng đảm nhiệm vị trí việc làm có đáp ứng yêu cầu của Đảng không. Điều này hết sức quan trọng. Nếu Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tiến thêm một bước, hoàn thiện thêm cách thức như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ lựa chọn được cán bộ tốt. Đây chính là mong muốn của Đảng. Các bước phải chặt chẽ, công khai minh bạch hơn, tránh được tư tưởng cục bộ, địa phương, lựa chọn người trong ê kíp của mình mà phải lựa chọn được người đúng năng lực, đúng trình độ và hoàn toàn có khả năng thực hiện nhiệm vụ đó tốt nhất trong số người được lựa chọn thi tuyển”, ông Bùi Sỹ Lợi phân tích thêm.

Theo ông Lợi phải lấy năng lực thực tiễn là chính, không nên quá nặng nề về bằng cấp. Trong thực tiễn công tác, có những người học đại học, học thạc sĩ, tiến sĩ nhưng trong điều hành chuyên môn chưa chắc đã giỏi, năng lực thực tiễn không chỉ là lý thuyết, không chỉ từ học hành, vấn đề quan trọng là tổng hợp được thực tiễn cuộc sống và trong điều hành rút ra được kinh nghiệm lãnh đạo thì mới thể hiện được năng lực của người lãnh đạo. không thể mang thực tiễn ra để điều hành, hay mang lý thuyết ra để điều hành thực tiễn.

Vấn đề quan trọng là công khai minh bạch để tránh tình trạng người ta nói, vẫn có yếu tố cá nhân, có yếu tố chủ nghĩa địa phương trong đó, hoặc ý đồ đưa người thân vào. “Công tác cán bộ khi đang chuẩn bị bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển có thể chưa công khai nhưng ra lựa chọn thì nhất định phải công khai. Tuy nhiên, theo tôi, nếu chọn 2 hình thức chỉ định hoặc là bầu thì tôi nghiêng về phương án phải bầu. Bầu là thể hiện dân chủ tập thể. Thường vụ đã nghe rồi, còn bầu là để thể hiện đảng viên lựa chọn anh trên tinh thần đã nắm bắt, đã biết anh bằng lá phiếu đó. Nếu người được chọn có số phiếu quá bán hoặc 100% số phiếu thì coi như đã hợp ý Đảng lòng dân. Nhưng Thường vụ chọn mà bỏ phiếu lại không đạt thì rõ ràng vẫn còn vấn đề”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Ý tưởng rất mới nhưng cần xem xét thật thấu đáo

Nhận xét về đề xuất này, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho đây là “ý tưởng rất mới”. Đề xuất được đưa ra trong thời điểm cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, nên nó càng ý nghĩa. Song, vì là vấn đề mới, hơn nữa lại là tuyển chọn lãnh đạo cấp ủy, người lãnh đạo toàn diện của một địa phương, cho nên đề xuất đó cần được xem xét thật thấu đáo ở mọi khía cạnh.

de xuat tuyen chon bi thu huyen uy co kha thi? hinh 3
Đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa (Ảnh: Kim Anh)

“Bí thư cấp huyện có vai trò rất quan trọng, chức danh là người đứng đầu, là người lãnh đạo toàn diện trong địa phương đó nên trước tiên nhân sự được lựa chọn phải đảm bảo là người có trong quy hoạch, được tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý; được đảng bộ và nhân dân địa phương đó tín nhiệm tuyệt đối. Trách nhiệm của một Bí thư là rất nặng chứ không như Giám đốc Sở, người lãnh đạo trực tiếp, là thủ trưởng của một cơ quan, đơn vị, chế độ là thủ trưởng; còn Bí thư Huyện ủy là chế độ tập thể, liên quan đến cả tập thể Đảng bộ. Nếu làm việc tốt thì không sao, nhưng nếu có vấn đề, người ta không hài lòng, đi phản ánh, báo cáo này nọ thì sẽ rất rắc rối cho Bí thư mới, là người được tuyển chọn”, đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, với đề xuất tuyển chọn Bí thư huyện ủy của Đắk Lắk là thẩm quyền của địa phương. Tuy nhiên, cần quan tâm một số vấn đề.

Thứ nhất về cách thức tuyển chọn. Theo kế hoạch, các ứng viên dự tuyển (khoảng 3-5 người có đủ tiêu chuẩn theo quy định) sẽ cạnh tranh bằng năng lực, bản lĩnh, trí tuệ thông qua việc trình bày đề án trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Người có năng lực nổi trội nhất sẽ được giới thiệu để tiến hành các quy trình tiếp theo. Nếu đạt yêu cầu ở bước quy trình, cán bộ đó có thể được chỉ định hoặc bầu cử theo đúng quy định hiện hành.

Theo kế hoạch này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần cân nhắc khách quan đối với những người dự tuyển. Đâu phải ai cũng muốn tham gia. Nếu muốn trúng cử sẽ có quyết tâm cao, đầu tư vào vào đề án chất lượng, để thể hiện năng lực bản lĩnh… Những người đủ tiêu chuẩn đương nhiên phải tham gia và phải hoàn thành những công việc đó theo Nghị quyết của Đảng. Người trúng tuyển làm Bí thư là tốt rồi. Nhưng những người cùng ứng tuyển, cũng đã dành rất nhiều tâm huyết nhưng không trúng tuyển cung cần quan tâm khách quan.

Thứ hai, là việc tổ chức tuyển chọn như thế, người trúng tuyển liệu sẽ làm ở vị trí đó được bao nhiêu năm, có khi nào mới được một năm hoặc hai hay nửa nhiệm kỳ đã được điều động đi chỗ khác do yêu cầu công tác? Nếu họ đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định đặt ra đối với chức danh đó thì có cần phải điều chuyển đi chỗ khác không? Vấn đề đó, thời gian qua đã có, vì công tác cán bộ là công tác của Đảng, nên Đảng có quyền phân công, bố trí, điều động, luân chuyển. Đề bạt cao hơn là tốt, ngược lại sẽ làm cho cán bộ tâm tư, cho nên cũng cần có qui định cụ thể để cán bộ an tâm.

Theo đại biểu Hoà, nên tổ chức thi tuyển một lần, người nào trúng tuyển là chọn ngay giống như một vài cơ quan Bộ vừa rồi đã tổ chức thi tuyển chức danh Vụ trưởng, những người tham dự thi đều nằm trong quy hoạch, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn. Trúng tuyển được bổ nhiệm ngay, đỡ mất thời gian. Đây cũng là vinh dự của người trúng tuyển vì nhiệm vụ họ đảm nhận là do thi tuyển trúng, chứ không phải đề bạt hay cân nhắc lên chức./.

Uyển Thanh/VOV.VN

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *