(kontumtv.vn) – Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, tuy nhiên liên tục trong 3 năm bệnh bạch hầu vẫn rải rác xuất hiện ở tỉnh Kon Tum. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp của ngành Y tế xử lý như thế nào?

Tính từ đầu năm cho đến hết tháng 6/2020, tỉnh Kon Tum ghi nhận 8 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Riêng huyện Đăk Tô có 4 trường hợp. Đáng lưu tâm là trong hai trường hợp đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô có một trường hợp là phụ nữ mang thai. Rất may, các trường hợp mắc bạch hầu đều được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bác sĩ Hoàng Thu Thủy, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô nói: “Khi tiếp nhận các bệnh nhân thì chúng tôi đã tổ chức cách ly và điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Riêng trường hợp có thai chúng tôi hết sức quan tâm và cố gắng điều trị để bệnh không ảnh hưởng đến thai nhi, để sức khỏe mẹ và thai nhi đều tốt”.

Để dập tắt các ổ dịch bệnh bạch hầu, bên cạnh thực hiện nghiêm nhiều biện pháp cấp bách do Sở Y tế chỉ đạo, các địa phương có xuất hiện các ổ dịch bệnh bạch hầu trong năm 2020 như Sa Thầy, Đăk Hà và Đăk Tô đã chủ động triển khai thêm các biện pháp chống dịch bệnh bạch hầu phù hợp với địa bàn. Y Sĩ Võ Văn Hùng, Phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô cho biết: “Đơn vị còn triển khai các biện pháp như lập danh sách cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, cho uống thuốc dự phòng và cách ly tại nhà. Ngoài ra chúng tôi còn triển khai các biện pháp như vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử khuẩn tại địa phương và rà soát các đối tượng tiêm vắc xin chưa đủ 3  lần DPT thì triển khai tiêm bổ sung. Đồng thời chúng tôi triển khai tiêm vắc xin trên địa bàn các xã có ca bệnh”.

Điều trị bệnh nhân bệnh bạch hầu
Điều trị bệnh nhân bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể dễ dàng nhận thấy như viêm họng, mũi, thanh quản với biểu hiện họng đỏ, nuốt đau, da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ người bệnh. Bệnh bạch hầu lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp. Ngoài ra còn lây từ người này sang người khác thông qua vật trung gian có chứa dịch tiết của người bệnh. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng bệnh bạch hầu là tiêm vắc xin để tạo kháng thể kháng độc tố bạch hầu.

Tại Việt Nam, nhờ thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu đến năm 2012 đã khống chế tỷ lệ mắc bạch hầu xuống dưới 0,01/100.000 dân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây bệnh bạch hầu có nguy cơ bùng phát trở lại. Trong đó, tại tỉnh Kon Tum từ năm 2016 đến nay có 25 trường hợp mắc bệnh bạch hầu và có 3 trường hợp tử vong. Các địa phương có xuất hiện bệnh bạch hầu trong giai đoạn 2016-2020 là huyện Kon Plông, Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum.  Bác sỹ CKII Võ Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Y Tế tỉnh Kon Tum cho biết: “Hiện nay có một bộ phận khá lớn người dân ở độ tuổi lớn không thể có miễn dịch đối với bệnh bạch hầu do trước đây chưa được tiêm chủng vắc xin bạch hầu, đặc biệt là người dân ở các xã vùng xa, vùng khó khăn. Bên cạnh đó thì miễn dịch của vắc xin bạch hầu thường duy trì đến 10 năm và giảm dần theo thời gian, nếu không được tiêm bổ sung làm cho các đối tượng này dễ mắc bệnh hoặc mang mầm bệnh bạch hầu, tạo ổ bệnh trong cộng đồng”.

Để ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu, nhiều giải pháp cấp bách và quyết liệt đã được tỉnh Kon Tum triển khai. Trong đó, giải pháp giám sát chặt chẽ các ổ dịch; phát hiện sớm các trường hợp mắc mới để cách ly, điều trị, khoanh vùng, khống chế không để lan rộng trong cộng đồng; tăng cường công tác tiêm chủng gắn với đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh được tỉnh Kon Tum chú trọng. Bên cạnh đó, việc tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế để điều trị cho bệnh bạch hầu được ngành Y tế tỉnh chú trọng. Nhờ vậy, trong hai năm 2019-2020 tỉnh Kon Tum không có trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu. Bác sỹ CKII Võ Văn Thanh nói: “Năm 2018, Sở Y tế Kon Tum có đề nghị Cục Quản lý Dược-Bộ Y tế cung ứng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Theo đó, Cục Quản lý Dược đã đề nghị Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh tại Hà Nội nhập khẩu. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số cơ sở tiêm chủng văc xin đã mua dự trữ và đảm bảo cơ số huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh”.

Theo dự báo của ngành Y tế, trong thời gian đến dịch bệnh bạnh hầu có thể tiếp tục xuất hiện rải rác. Nguyên nhân do một số phụ huynh chưa chấp hành tốt việc đưa con em tiêm vắc xin phòng bệnh theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Bên cạnh đó, vẫn còn một số người chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong giai đoạn trước đây. Mặc khác, sự chủ quan trong việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trong một số khu dân cư vẫn tồn tại. Trong khi đó, bệnh bạch hầu là bệnh rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng con người và là dịch bệnh dễ lây lan ra diện rộng.

Để công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng đạt hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng và chính quyền các cấp, rất cần sự hợp tác, chung tay của người dân trên địa bàn tỉnh.

Văn Hiển – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *