(kontumtv.vn) – Như thông tin Đài PT-TH Kon Tum đã phản ánh, mặc dù chưa đủ điều kiện khai thác cát nhưng một số doanh nghiệp vẫn tổ chức khai thác, ghi nhận của phóng viên tại huyện Đăk Tô.
Vào thời điểm phóng viên Đài PT-TH Kon Tum có mặt tại cầu treo thôn Kon Pring, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, các phương tiện khai thác cát trên sông Đăk Pxi của Doanh nghiệp tư nhân Nhật Mạnh vẫn hoạt động bình thường. Các bè hút cát vẫn ồ ạt bơm cát từ lòng sông lên bờ và có khá nhiều xe ô tô vào ra vị trí này để chở cát.
Để xác minh việc Doanh nghiệp tư nhân Nhật Mạnh có đủ điều kiện khai thác cát trên sông Đăk Pxi hay không, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum làm việc với lãnh đạo UBND xã Diên Bình, huyện Đăk Tô. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho biết: “Đối với hai doanh nghiệp hoạt động khai thác cát trên dòng sông Đăk Pxi này thì đã được UBND tỉnh Kon Tum cấp phép vào năm 2018 và hoạt động cho đến nay”.
Vẫn nội dung Doanh nghiệp tư nhân Nhật Mạnh có đủ điều kiện khai thác cát trên sông Đăk Pxi hay không, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Phòng TN&MT huyện Đăk Tô lại cho biết: “Doanh nghiệp tư nhân Nhật Mạnh theo thông tin của phòng nắm được thì chưa có văn bản chấp thuận của sở TN&MT. Do đó xét theo văn bản yêu cầu của sở TN&MT thì Doanh nghiệp tư nhân Nhật Mạnh chưa đủ điều kiện để khai thác”.
Để làm rõ hơn vì sao Doanh nghiệp tư nhân Nhật Mạnh đã có giấy phép khai thác do UBND tỉnh cấp nhưng vẫn chưa đủ điều kiện khai thác, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum tiếp tục làm việc với lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Kon Tum. Một lần nữa Sở TN&MT khẳng định Doanh nghiệp tư nhân Nhật Mạnh chưa đủ điều kiện khai thác. Nguyên nhân, trong thời gian hoàn thiện hồ sơ về văn bằng giám đốc điều hành mỏ đơn vị này bị Sở TN&MT lập biên bản về hành vi khai thác khoáng sản vượt ra ngoài khu vực ranh giới khu vực được cấp phép. Đồng thời, số lượng phương tiện khai thác vượt số quy định theo giấy phép. Với những vi phạm của doanh nghiệp, sở Tài nguyên và Môi trường chưa ra thông báo đủ điều kiện để hoạt động. Nếu doanh nghiệp tư nhân Nhật Mạnh tiếp tục khai thác là vi phạm.
Từ vụ việc này cho thấy công tác quản lý khai thác khoáng sản tại huyện Đăk Tô vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm.
Liên quan đến doanh nghiệp tư nhân khai thác cát, một số hộ dân còn phản ánh việc khai thác cát của doanh nghiệp này làm sạt lở đất sản xuất cả bà con. Thông tin về việc các doanh nghiệp khai thác cát làm thay đổi dòng chảy, làm sạt lở đất sản xuất, hoa màu ven sông của người dân sẽ được phóng viên Đài PT-TH Kon Tum tiếp tục phản ánh trong chương trình thời sự sau.
Văn Hiển – Đức Thắng