(kontumtv.vn) – Những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác đối ngoại của tỉnh Kon Tum đạt nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong thành tựu chung của tỉnh nhà. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Kon Tum và các nước láng giềng, hoạt động đối ngoại tiếp tục được đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Quyền, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Kon Tum.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết rõ hơn về mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Kon Tum và các nước láng giềng trong thời gian qua?

Ông Phạm Ngọc Quyền: Đối với Campuchia và Lào là  các nước láng giềng, Kon Tum đã có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và quan hệ đặc biệt truyền thống từ trước đến nay, nhất là tỉnh Kon Tum với tỉnh Attapeu, Sekong của Lào. Rattanakiri của Campuchia thì trong những năm gần đây được nâng lên một tầm cao mới về hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng rồi y tế, giáo dục. Và có thể nói mối quan hệ này được lãnh đạo cấp cao của các tỉnh đặc biệt quan tâm.

PV: Xin ông cho biết rõ hơn một số kết quả nổi bật mà chúng ta đã đạt được trong công tác đối ngoại giữa tỉnh Kon Tum với các nước láng giềng?

Ông Phạm Ngọc Quyền trả lời phỏng vấn của PV
Ông Phạm Ngọc Quyền trả lời phỏng vấn của PV

Ông Phạm Ngọc Quyền: Thứ nhất về kinh tế xã hội. Hoạt động thương mại biên giới giữa Lào, Campuchia và mình thì trong thời gian vừa qua, đã phối hợp với nhau rất là tốt và chủ yếu là giao thương qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y của huyện Ngọc Hồi. Kim ngạch xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y trong những tháng đầu năm 2019 đạt 68,2 triệu USD, trong đó, hàng hóa nhập khẩu đạt 9,5 triệu và hàng xuất khẩu đạt 18,7 triệu USD. Tỉnh Kon Tum cũng đã dành một số suất học bổng cho phía Lào và Campuchia. Trong lĩnh vực y tế, giáo dục thì mình đã giúp 4 tỉnh của Lào là Attapeu, Sekong, Champasak, Saravan; Campuchia là 2 tỉnh Rattanakiri và Stung Treng thì mỗi năm, lãnh đạo tỉnh dành cho mỗi tỉnh được 5 suất học bổng, mỗi năm có 30 suất học bổng của 2 nước. Các lực lượng giữa 2 bên đã phối hợp với nhau để quản lý biên giới. Trong quản lý biên giới thì quản lý đường biên cột mốc, phòng chống các loại tội phạm, đặc biệt là ma túy, pháo nổ và gian lận thương mại, rồi liên quan đến cả dân di cư tự do, xâm canh xâm cư thì trong công tác này mình phối hợp với bạn rất chặt chẽ.

PV: Qua ông chia sẻ một số kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại, nhân đây, ông có thể cho biết cụ thể hơn về những khó khăn trong triển khai công tác đối ngoại với các nước láng giềng?

Ông Phạm Ngọc Quyền: Có những cái khó mà chúng ta đang phải đối mặt. Trong thời gian vừa qua là xâm canh, xâm cư rồi di cư qua bên này để làm ăn, đặc biệt đó là liên quan đến các loại tội phạm ma túy cũng có, pháo cũng có rồi đến các gian lận thương mại thì bạn phối hợp rất chặt, nhưng đây là một trong những công tác an ninh gây phức tạp rất nhiều. Được sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan đến công tác bảo vệ biên giới này.

PV: Thưa ông, trong tình hình mới này, công tác đối ngoại sẽ tiếp tục được tỉnh Kon Tum đẩy mạnh triển khai như thế nào?

Ông Phạm Ngọc Quyền: Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều vấn đề của các nước lớn ảnh hưởng trực tiếp đến các nước ASEAN, trong đó có liên quan đến Campuchia và Lào. Phải khẳng định một điều là rất nhiều vấn đề phát triển ngoài dự báo thông thường và ngoài những dự kiến của mình. Cho nên trong công tác đối ngoại, không có cách nào khác, chúng ta phải tự đổi mới và tìm mọi mối quan hệ đã có truyền thống rồi để duy trì và phát triển.

PV: Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *