(kontumtv.vn) – Quan tâm việc đổi mới mạnh mẽ ph­ương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn là quan tâm tới khía cạnh chính trị-xã hội của sản xuất, để bảo đảm sản xuất kinh doanh phát triển, xã hội tiến bộ, chính trị ổn định. 

Phát biểu tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết hiện nay tình trạng việc làm của công nhân lao động (CNLĐ) còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện lao động ít được cải thiện, tai nạn lao động vẫn gia tăng. Tiền lương, thu nhập của người lao động chư­a t­ương xứng với c­ường độ và thời gian lao động, đời sống gặp nhiều khó khăn; lao động nữ thiếu nhà trẻ để gửi con; vấn đề ngộ độc thực phẩm bữa ăn công nhân có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động là điều rất đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt tinh thần cũng rất thiếu thốn, tình trạng ng­ười sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động vẫn còn diễn ra phổ biến. Tranh chấp lao động và đình công trong CNLĐ có nhiều diễn biến phức tạp. Trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, giác ngộ chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp và sự am hiểu chính sách pháp luật của CNLĐ còn hạn chế. Năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh còn chưa cao.

Trong thời gian tới, yêu cầu vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ngày càng lớn và cấp bách, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức không chỉ đối với tổ chức Công đoàn mà còn đối với cả hệ thống chính trị nếu tổ chức Công đoàn hoạt động yếu kém, không hiệu quả.

Do vậy, để tổ chức Công đoàn thực sự trở thành cơ sở xã hội vững chắc của Đảng, người cộng tác đắc lực của Nhà nước, tạo sức mạnh tổng hợp của dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tại diễn đàn Đại hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị phải luôn giữ vững và tăng cư­ờng bản chất giai cấp công nhân của Đảng, tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, phải đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, cơ hội, biến chất, xu nịnh, cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để bảo đảm vai trò lãnh đạo cầm quyền và Đảng cần phải thực sự chăm lo xây dựng bền vững cơ sở giai cấp, cơ sở quần chúng và cơ sở tổ chức của Đảng.

Đảng cần tập trung lãnh đạo việc tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 22/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Vấn đề cốt lõi của xây dựng giai cấp công nhân không chỉ đơn thuần là phát triển số lượng mà là phải tạo cho được sự phát triển về chất lượng chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, xây dựng tác phong công nghiệp.

Tăng cư­ờng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động, luật công đoàn, bảo hộ lao động, các chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động và xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ngư­ời lao động, bất luận đó là chủ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nào, không vì thu hút đầu tư­ mà xem nhẹ quyền lợi của công nhân, lao động.

Cần quan tâm hơn nữa và đổi mới mạnh mẽ ph­ương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn. Bởi thực chất quan tâm đến Công đoàn là quan tâm tới mặt chính trị, xã hội của sản xuất, để đảm bảo sản xuất kinh doanh phát triển, xã hội tiến bộ, chính trị ổn định.

Rà soát chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực

Đề cập đến vấn đề an sinh xã hội trong thời gian tới, đại biểu Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH chỉ ra những thách thức của nền kinh tế đó là, chất lượng việc làm còn thấp, trong khi khả năng tạo việc làm của nền kinh tế trong giai đoạn suy giảm tăng trưởng kinh tế không cao đã ảnh hưởng đến kết quả giải quyết việc làm cho người lao động.

Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chậm. Lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, năm 2015 là 44,3%; chất lượng lao động thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung 51,6%, trong đó qua đào tạo từ 3 tháng trở lên (có bằng cấp chứng chỉ) mới đạt khoảng 21,9%.

Trong đó, đa số lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp. Đến hết năm 2014, cả nước mới có gần 4,415 triệu người từ 55 tuổi trở lên hưởng an sinh tuổi già (gồm 2,2 triệu người hưởng chế độ hưu trí, 1,6 triệu người già trên 80 tuổi và 670.000 người cao tuổi thuộc hộ nghèo được hưởng trợ cấp tuổi già), chiếm 32,74% dân số trên độ tuổi lao động.

Bên cạnh đó, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; tỷ lệ nghèo các xã, thôn, bản vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa nhiều nơi vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn trên 60-70%; chênh lệch giàu-nghèo về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa các vùng, nhóm dân cư có xu hướng gia tăng, nhất là giữa khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên và các vùng còn lại…

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội, coi các chính sách xã hội là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài, liên tục từ đó chủ động đề ra các giải pháp phù hợp nhằm mục tiêu đảm bảo tốt an sinh xã hội, chăm lo cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống cho người dân.

Rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung theo hướng tinh gọn, tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý; mở rộng quyền tham gia và thụ hưởng cho người dân đối với chính sách trợ giúp xã hội.

Tiếp tục phát triển thị trường lao động, phát triển việc làm, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, từng bước hoàn thiện thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu việc làm; tăng cường đối thoại lao động, bảo đảm tiêu chuẩn lao động; tăng cường đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động…

Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; có lộ trình tiếp tục điều chỉnh độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; mở rộng chính sách trợ giúp xã hội đối với người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số; tiếp tục điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp thường xuyên phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước; tách bạch nhiệm vụ quản lý nhà nước với cung cấp dịch vụ công; tích hợp việc thực hiện các chính sách khác nhau đối với cùng nhóm đối tượng.

Lê Sơn/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *