(kontumtv.vn) – Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh ngày 24/ 4/ 1972 là một mốc son chói lọi của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công cuộc kháng chiến chống  Mỹ cứu nước. Từ đống đổ nát, hoang tàn sau chiến tranh, cán bộ, quân và dân các dân tộc trên địa bàn đã xây dựng lại quê hương Đăk Tô ngày càng giàu đẹp, văn minh, ấm no, hạnh phúc.

Là địa bàn có xuất phát điểm thấp, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên việc xây dựng và phát triển huyện Đăk Tô gặp không ít khó khăn. Sau chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh năm 1972, Đảng bộ và chính quyền huyện đã đưa ra các giải pháp để nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là giải quyết vấn đề thiếu đói của nhân dân. Đến trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, huyện Đăk Tô đã từng bước ổn định đời sống nhân dân, bước đầu tập trung phát triển kinh tế trong toàn dân. Trong 30 năm đổi mới của đất nước, Đăk Tô đã có sự chuyển đổi sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh – quốc phòng. Từ một huyện miền núi, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đất rộng, người thưa, kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp, tập quán du canh, du cư còn phổ biến, trình độ sản xuất lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đến nay Đăk Tô đã có bước phát triển toàn diện từ khu vực đô thị đến vùng nông thôn…Phát huy truyền thống anh hùng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Đăk Tô đang ra sức thi đua phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đổi mới nơi chiến trường xưa
Đổi mới nơi chiến trường xưa

Trong giai đoạn 2010 – 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt 14,7%, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ lệ lao động nông nghiệp và tăng dần tỉ lệ lao động phi nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách nhà nước tăng dần theo từng năm.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện đã phát triển diện tích cây trồng  hàng năm trên 8.000 ha, cây công nghiệp lâu năm đạt trên 9.530 ha. Các loại cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, bời lời, hồ tiêu tiếp tục được người dân nâng cao diện tích. Toàn huyện có trên 6.500 con trâu bò, 14.700 con heo và tổng đàn gia cầm trên 85.000 con. Thông qua nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự cố gắng, vươn lên trong phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Đăk Tô đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2016, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt trên 676 tỷ đồng. Các nhà máy chế biến tinh bột sắn, sơ chế mủ cao su, sản xuất cồn ethanol hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụm Công nghiệp và Dịch vụ 24/4 của huyện đã thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đến xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động.

Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đăk Tô đã được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của chính quyền và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 2 xã là Diên Bình và Tân Cảnh về đích xây dựng nông thôn mới, xã Kon Đào đạt 11 tiêu chí, các xã còn lại đều đạt từ 5- 9 tiêu chí.

Trong năm 2017, huyện Đăk Tô xác định tập trung các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đặc biệt là thu hút nguồn lực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập của nhân dân. Ông Cao Trung Tin, Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô\ cho biết: “Từ thế mạnh về nông nghiệp, huyện đã xác định một số ngành, lĩnh vực kinh tế có giá trị cao để tập trung trong chỉ đạo phát triển, đặc biệt là đối với 5 nhóm ngành trong nông nghiệp, như trồng cây lâu năm, trồng và chăm sóc rừng để sau này phục vụ cho nhà máy giấy và bột giấy, công nghiệp chế biến hàng nông lâm sản, sản xuất sản phẩm từ khoáng sản, phát triển chăn nuôi bán công nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao”.

Ngoài ra, huyện tập trung các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy thủy điện trên địa bàn, đẩy mạnh phát triển du lịch lịch sử gắn với du lịch sinh thái, huy động mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, xây dựng phát triển đồng bộ về hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng trên địa bàn, tạo đầu mối để phát triển hành lang kinh tế Đông Tây, gắn khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Quảng Nam.

Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh (24/4/1972- 24/4/2017) là dịp để cán bộ, quân và dân huyện Đăk Tô hiểu hơn về giá trị của tự do và độc lập; tạo quyết tâm, khí thế mới để xây dựng quê hương Đăk Tô ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Kon Tum.

Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *