(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của bà con dân tộc Rơ Măm ở làng Le (Mô Rai, Sa Thầy, Kon Tum) có những thay đổi tích cực trong phát triển kinh tế, nếp nghĩ, cách sống…góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con vùng biên giới.
Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, người Rơ Măm ở làng Le đã biết trồng cao su, điều, lúa nước, cây ăn quả, thay thế dần các loại cây trồng truyền thống trước kia. Anh A Dum, người dân trong làng nói: “Vừa rồi Nhà nước cấp cho mình giống cây cao su, mình trồng 3 – 4 năm rồi, điều cũng cấp cho, cũng trồng nè, 2 ha cao su, 3 ha điều, mình trồng thêm 900 cây cao su, nuôi một con bò, cố gắng làm kinh tế”.
UBND xã Mô Rai đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của bà con, để đảm bảo việc hỗ trợ sản xuất mang lại hiệu quả ổn định và bền vững. Chị Y Bủi, làng Le cho biết thêm: “Ngoài hỗ trợ cây con giống, còn hỗ trợ con bò, hỗ trợ con cái học hành miễn phí, vay vốn ưu đãi, còn học chăm sóc cây cao su, chăm sóc cây điều, học dệt thổ cẩm, đánh cồng chiêng”.
Sự thay đổi đáng kể của xã Mô Rai so với những năm trước đây, đó là những con đường nhựa nội thôn, bê tông liên xã được đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, giao thương cho người dân. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh trật tự và quốc phòng trên địa bàn vùng biên giới được giữ vững. Anh A Thái, thôn trưởng làng Le nói: “Bà con xã Mô Rai nói chung, làng Le nói riêng thì hiện tại về đầu tư trường trạm, cơ sở hạ tầng đã được nâng cấp, điều kiện nhà cửa của bà con thì cũng đảm bảo, nhà nào cũng có xe cộ, cuộc sống của bà con cũng đã hơn, thu nhập của bà con khá hơn nhiều so với những năm trước đây”.
“Những năm gần đây thì bà con Rơ Măm có nhiều cái thay đổi, nhất là về dự án của dân tộc, hai là Dự án 135, cái nữa là định cạnh định cư thì bà con đã khá giả, kể cả kinh tế, kể cả văn hóa xã hội. Ai ốm đau thì phải ra trạm xá có thầy thuốc, thứ hai nữa là kết hôn thì Ban Dân tộc có biện pháp tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình. Được sự quan tâm của Ban dân tộc, Sở VHTT của huyện, của tỉnh nữa, tuyên truyền cho bà con lúc nào cũng phải giữ gìn bản sắc dân tộc, cồng chiêng, múa xoang”. Già làng A Blong chia sẻ.
Bà Y Hằng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, hiện nay, dân tộc Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai có khoảng 500 người, là một trong những DTTS rất ít người được Chính phủ quan tâm đầu tư về kinh tế, xã hội. Kinh phí thực hiện đề án hỗ trợ cho dân tộc Rơ Măm theo Quyết định 2086/2016 của Thủ tướng Chính phủ đến nay khoảng 90 tỷ đồng. Đồng thời, Ban phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động bà con Rơ Măm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu: “Đã triển khai có hiệu quả, đặc biệt là dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Rơ Măm. Tổ chức nhiều đợt tuyên truyền trực tiếp để tư vấn, vận động nhân dân tại thôn làng để xóa bỏ bạo lực gia đình, xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tình trạng buôn bán trẻ em và phụ nữ hoặc các phong tục tập quán có yếu tố bất bình đẳng giới gây bức xúc trong nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo cũng có giảm dần, đời sống của bà con thì tiếp cận được với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong việc sản xuất nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng cây công nghiệp cũng như là chăn nuôi đại gia súc. Các cơ sở hạ tầng tạo các điều kiện thuận lợi cho con em đến trường được gần, rồi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn”.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 – 2025, trong đó có dân tộc Rơ Măm. Đề án có mục tiêu duy trì, phát triển và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con một cách bền vững, nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển và nâng cao vị thế của các DTTS rất ít người với các dân tộc khác trong vùng.
Hơ Jan – Văn Hiển