(kontumtv.vn) – Huyện ủy Kim Sơn tổ chức đối thoại, phân công cán bộ về cơ sở sinh hoạt Đảng.

Tại Hội nghị sơ kết toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng mới đây, nhiều điển hình tiên tiến, nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng đã được đánh giá là một điểm mới của ngành xây dựng đảng trong 6 tháng đầu năm.

Một trong số đó là mô hình giao ban cụm xã, tổ chức hội nghị đối thoại với các tầng lớp nhân dân cùng với việc phân công cấp ủy viên, cán bộ cấp huyện dự sinh hoạt định kỳ với chi bộ thôn, xóm, phố, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở địa phương của Huyện ủy Kim Sơn (Ninh Bình).

doi thoai tu co so - cach lam cua kim son  hinh 1
Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn Hoàng Văn Thắng báo cáo về cách làm

đổi mới trong sinh hoạt Đảng từ thực tế của Kim Sơn.

Theo Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn Hoàng Văn Thắng, xuất phát từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng ở Kim Sơn còn nhiều hạn chế như năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền còn nhiều mặt hạn chế; cán bộ công chức chưa sâu sát cơ sở, giải quyết công việc còn chậm, còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, đơn thư khiếu nại tố cáo còn nhiều, những kiến nghị chính đáng của đảng viên, nhân dân chưa được xem xét, giải quyết kịp thời. Tại nhiều chi bộ, sinh hoạt định kỳ không đảm bảo theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, chất lượng sinh hoạt còn nhiều hạn chế.

Tạo diễn đàn để người dân được đối thoại

Trước tình hình đó, thường trực Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn đã nghiên cứu để tìm ra giải pháp khắc phục. Giải pháp đầu tiên được triển khai là tổ chức đối thoại giữa Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, MTTQ với đại diện các tầng lớp nhân dân. Việc đối thoại được duy trì từ 2012 đến nay, với thành phần là các Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng các đoàn thể ở 298 khu dân cư, hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS, trạm trưởng trạm y tế… Nhiều vấn đề bức xúc ở cơ sở liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, môi trường, an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, các chính sách về hậu phương quân đội… đã được xem xét giải quyết qua đối thoại.

Một giải pháp nữa được Huyện ủy Kim Sơn thực hiện đó là phân công cấp ủy viên, cán bộ cấp huyện về sinh hoạt định kỳ hàng tháng với chi bộ trực thuộc ở Đảng bộ xã, thị trấn. Từ tháng 9/2017, thường trực Huyện ủy đã phân công 27 cán bộ, chuyên viên các cơ quan khối Đảng, đoàn thể của huyện; đến tháng 9/2018 tiếp tục phân công thêm 27 công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện để dự sinh hoạt định kỳ hàng tháng với các chi bộ trực thuộc 27 đảng bộ xã, thị trấn.

Hiện nay, định kỳ hàng tháng có ít nhất 3 cán bộ cấp huyện, bao gồm 2 cán bộ chuyên viên cơ quan huyện và 1 huyện ủy viên phụ trách xã về dự sinh hoạt chi bộ tại một xã. Ngoài ra còn có đại diện thường vụ huyện ủy phụ trách tiểu khu, thường trực huyện ủy, cán bộ cấp tỉnh cũng về dự. Có tháng, một xã có tới 5 cán bộ từ tỉnh đến huyện về dự sinh hoạt định kỳ với chi bộ.

Sau mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, thường trực huyện ủy đều tổ chức Hội nghị giao ban để các cán bộ được cử đi cơ sở phản ánh tình hình, bàn bạc các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; ban hành thông báo kết luận, trong đó nêu rõ các đảng bộ ở chi bộ làm tốt cũng như các đảng bộ, chi bộ còn nhiều thiếu sót, hạn chế để có các biện pháp khắc phục.

Cơ hội để cán bộ bám sát cơ sở

Việc phân công ủy viên, cán bộ, công chức dự sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng đã góp phần đưa sinh hoạt chi bộ đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên; tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ đều cao hơn; các ý kiến phát biểu của đảng viên nhiều hơn, thẳng thắn, trách nhiệm, sôi nổi và đúng trọng tâm hơn. Trong khi đó, cán bộ cấp huyện có cơ hội bám sát cơ sở; những đề xuất, kiến nghị chính đáng của cán bộ, đảng viên được xem xét giải quyết kịp thời; vai trò trách nhiệm của đảng ủy các xã, thị trấn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo đó cũng được nâng lên.

doi thoai tu co so - cach lam cua kim son  hinh 2
Một buổi sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư

Tuy nhiên, một giải pháp khác mà Huyện ủy Kim Sơn cũng rất tâm đắc đó là tổ chức hội nghị giao ban tiểu khu hay còn gọi là giao ban cụm xã. Toàn huyện gồm 27 xã, thị trấn được chia thành 5 tiểu khu, mỗi tiểu khu được phân công 1-2 ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách. Định kỳ hàng quý, ban thường vụ huyện ủy chỉ đạo giao ban tiểu khu. Những ý kiến, kiến nghị tại hội nghị sẽ được các cán bộ huyện theo chức năng của mình trả lời, giải đáp trực tiếp tại hội nghị. Những ý kiến kiến nghị chưa trả lời được tại hội nghị tiếp tục được tổng hợp báo cáo bằng văn bản để thường trực huyện ủy chỉ đạo cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, trả lời, giải quyết. Việc giao ban định kỳ tại các tiểu khu được triển khai đến nay đã thành nền nếp và đạt hiệu quả. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, nổi cộm ở cơ sở đã được phản ánh và tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, góp phần ổn định tình hình, hạn chế đơn thư, bức xúc của cán bộ, đảng viên, nhân dân; đồng thời cũng giúp tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và của cán bộ công chức cấp huyện trong thực thi nhiệm vụ.

Nhận xét về những đổi mới trong sinh hoạt Đảng, ông Nguyễn Thế Khiển, một đảng viên Chi bộ xóm 9, xã Thượng Kiệm, cho biết, ông rất tự hào về những đổi mới ở quê hương ông, đổi mới từ trên xuống dưới. Đặc biệt là những đổi mới trong cách thức sinh hoạt đảng. Sinh hoạt đảng trước đây rất nhàm chán, gọi là đến sinh hoạt theo định kỳ, sinh hoạt cho có, anh em chép miệng với nhau đi sinh hoạt cho đạt mục đích về quân số, chứ chưa đạt hiệu quả theo đúng tinh thần nghị quyết của địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cách thức tổ chức một buổi sinh hoạt chi bộ đã có nhiều đổi mới, chất lượng hơn.

Theo ông Đỉnh Công Thành, Bí thư Chi bộ phố Phát Diệm Tây, những đổi mới trong sinh hoạt đảng thể hiện tính dân chủ, khách quan và cũng đã mang lại những hiệu quả nhất định trong lãnh đạo cũng như tiếp thu ý kiến của đảng viên, quần chúng trong đời sống hàng ngày. Việc tổ chức các buổi đối thoại đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Những sự việc nhỏ, những bức xúc mới nhen nhóm đã được giải quyết. Việc cán bộ cấp trên trực tiếp lắng nghe những ý kiến của người dân, đảng viên, đã không còn tình trạng ý kiến qua khâu trung gian bị để đấy, trong khi lãnh đạo không nắm được tình hình.

Đánh giá cách làm của Huyện ủy Kim Sơn, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính tại Hội nghị sơ kết vừa qua, cho biết, sau Đại hội XII, nghị quyết Đại hội Đảng có bổ sung thêm một số nhiệm vụ về xây dựng Đảng, trong đó có xây dựng Đảng về đạo đức và nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Cách làm của Huyện ủy Kim Sơn đã cụ thể hóa các nhiệm vụ của nghị quyết trung ương phù hợp với thực tế địa phương./.

 

Hà Thanh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *