(kontumtv.vn) – Sống với rừng, sống nhờ rừng….là cuộc sống từ ngàn đời nay của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum. Càng vui hơn khi những năm gần đây, giữ rừng dần trở thành một công việc đem lại thu nhập cho bà con, dù nguồn thu nhập ấy chưa nhiều, nhưng chính điều đó lại càng làm cho bà con thêm gắn bó với rừng.

Với nhiều dân tộc, rừng cho họ gần như mọi thứ từ ngọn rau, con thú, đến ngôi nhà và cả kế sinh nhai hàng ngày. Nhưng trước, họ gần như chỉ biết lấy đi của rừng. Họ chặt cây rừng để đổi lấy những rẫy lúa, nương khoai. Họ tìm những cây gỗ lớn, gỗ qúy để đổi lấy cơm áo. Họ xới tung những khoảnh rừng xanh đẹp tìm những cây dược liệu quý hiếm để đổi lấy bạc tiền. Ai cũng sống nhờ rừng, nhưng mấy ai nghĩ đến chuyện phải giữ rừng, bảo vệ rừng…

Giờ thì họ vẫn sống nhờ vào rừng, nhưng thay vì chỉ biết lấy đi, họ cũng đã biết bồi đắp cho rừng, làm giàu thêm cho rừng bằng cách giữ rừng. Ông A In (thôn Kon Chênh, Măng Cành, Kon Plông) nói: “Mình ở trên này phá rừng thế này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường. Tinh thần của nhân dân ngày càng nhận thức được, hiểu được trách nhiệm của mình để bảo vệ môi trường rừng. Nhà nước chi trả dịch vụ môi trường rừng, vừa đảm bảo cho nhân dân thu nhập, đi lại, con cái đi học hành”.

Nhóm QLBVR phân công nhiệm vụ
Nhóm QLBVR phân công nhiệm vụ

Bà con giữ rừng và được trả công cho công việc mình làm – đấy là công bằng. Số tiền không lớn, cũng chưa nhiều, nhưng với bà con, đã nhận lời, đã nhận tiền thì phải có trách nhiệm. Đó còn là danh dự, là lòng tự trọng của những con người sống thẳng ngay như cây rừng. Ông A Nuông (thôn Kon Chênh, Măng Cành, Kon Plông) cho biết: “QLBVR được Nhà nước trả tiền, tuy không nhiều nhưng cũng góp phần để xóa đói giảm nghèo, để đảm bảo giữ được rừng. So với trước đây Nhà nước chưa cho QLBVR thì khác, giờ có trách nhiệm hơn, không vi phạm này nọ, bây giờ khai thác chủ yếu là làm nhà thôi”.

Cuộc sống rẫy nương, rừng rú là cuộc sống từ bao đời nay của bà con. Bởi vậy, biến việc đi rừng, thăm rừng thành công việc, là trách nhiệm của mỗi người dân trong làng không phải là việc khó. Ông A Lễ  (thôn Kon Chênh, Măng Cành, Kon Plông) nói: “Bà con ở đây chủ yếu làm lúa nước, cà phê, trồng mì. Bà con cũng được Nhà nước cho QLBVR, hàng năm có tiền thêm để trang trải cho gia đình, con cái học hành cũng đảm bảo”.

Không chỉ thôn Kon Chênh, nhiều thôn, làng của huyện Kon Plông người dân cũng đã nhận quản lý, bảo vệ rừng, giữ rừng cho các đơn vị chủ rừng. Họ chia nhau thành nhóm, họ đi tuần tra theo định kì hàng tuần, hàng tháng, mùa nắng cũng như mùa mưa. Thế nên, khi nhận những đồng tiền là mồ hôi, là công sức, họ trân trọng, nâng niu những đồng tiền ấy.

Gác lại mọi công việc rẫy nương, hôm nay, người dân thôn 2 (Đăk Pne,  Kon Rẫy) lại tập trung tại nhà rông. Niềm hân hoan hiện rõ trên gương mặt mỗi người. Năm 2016, người dân thôn 2 nhận giữ rừng theo hình thức cộng đồng giữ rừng. Thôn trưởng là nhóm trưởng nhóm QLBVR thay mặt bà con kí nhận số tiền mà họ được trả trong đợt chi trả cuối cùng của năm 2016. Chị Y Mem, Nhóm trưởng nhóm QLBVR thôn 2 (Đăk Pne, Kon Rẫy) cho biết: “Nhận tiền rừng phải chia hết cho bà con, phải chia đều để bà con có trách nhiệm chung. Trước khi chia tiền phải họp nhóm, thống nhất, chia đều để cộng đồng thống nhất, công bằng”.

Trong đợt chi trả lần này, người dân thôn 2, xã Đăk Pne được nhận hơn 100 triệu đồng. Theo cách tính chia đều, mỗi hộ được nhận 1,7 triệu đồng. Dù ít, nhưng những đồng tiền này đến với họ thật đúng lúc khi Tết cổ truyền của dân tộc đã cận kề. Và mỗi người cũng đã có kế hoạch để sử dụng những đồng tiền ấy một cách có ý nghĩa nhất.

Vài năm trở lại đây, người dân xã Đăk Pne đã quen với việc nhận quản lý bảo vệ rừng. Trước đây, việc giao khoán được thực hiện với các hộ dân riêng lẻ, hộ nào quản lý rừng của hộ đó. Cách làm nào dù cũng mang lại kết quả, song tình trạng hộ này phá rừng của hộ khác vẫn xảy ra. Đặc biệt, cách giao khoán ưu tiên cho gia đình khó khăn, hộ nghèo…đã làm nảy sinh tư tưởng thắc mắc, so đo thiệt hơn ở những hộ không được nhận khoán. Năm 2016, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy vẫn tiếp tục giao khoán cho mgười dân, nhưng thay vì giao khoán hộ, công ty đã giao khoán theo hình thức cộng đồng. Hiện, 4 thôn của xã Đăk Pne nhận QLBVR cho Công ty TNHH MTV Kon Rẫy với diện tích trên 2.200 ha. Trong đợt nhận tiền cuối năm này, số tiền người dân xã Đăk Pne được nhận trên 450 triệu đồng.

So với các khoản thu nhập khác từ mì, bắp, cà phê, bời lời, thu nhập từ công việc giữ rừng không phải là nhiều, song nguồn thu nhập này cũng đã phần nào giúp người dân giải quyết được khó khăn trong cuộc sống. Quan trọng hơn, đồng tiền ấy đã gắn kết họ với chủ rừng, làm cho họ có trách nhiệm hơn với rừng. Khi người dân tham gia giữ rừng, chắc chắn rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn. Điều này không có gì phải bàn cãi. Sống với rừng, lớn lên từ rừng và giữ rừng. Nhờ đó, Tết đến với đồng bào cũng đầy đủ hơn, sung túc hơn.

Như Nguyệt – Xuân Công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *