(kontumtv.vn) – Công trình đường tránh đèo Măng Rơi được khởi công xây dựng từ năm 2010 và hoàn thành vào tháng 6/ 2016. Công trình nhằm mục đích giúp người dân thuận tiện hơn khi tham gia lưu thông giữa hai huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông. Tuy nhiên, thay vì đi trên đường mới làm, các phương tiện chủ yếu vẫn thông thương trên đường đèo cũ. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Trước đây, để lưu thông từ trung tâm huyện Tu Mơ Rông về huyện Đăk Tô và ngược lại, người dân chỉ có 1 con đường duy nhất đó là tuyến Tỉnh lộ 672, trong đó có đoạn đi qua đèo Măng Rơi. Đoạn đèo này có độ dốc lớn, nhiều khúc quanh co nguy hiểm, tầm quan sát nhỏ, nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Để giải quyết bài toán an toàn cho người dân, Dự án Quốc Lộ 40B đi từ Nam Quảng Nam đến huyện Đăk Tô do Bộ Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư đã thiết kế xây dựng đoạn đường này với 3 phương án. Thứ nhất là hạ độ dốc và nâng cấp, mở rộng  đường đèo cũ. Thứ 2 là mở một đường tránh hướng về hướng nam và thứ 3 là mở đường tránh bên tay phải của đèo Măng Rơi. Qua khảo sát, thiết kế, Bộ GT-VT chọn hướng đường tránh hiện nay là đường tối ưu nhất, dựa trên cơ sở tính toán của đơn vị Tư vấn, thiết kết 5 của Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đa phần người dân đều mong muốn sửa chữa, nâng cấp và mở rộng đường đèo cũ với nhiều lý do khác nhau. Chị Nguyễn Thị Liên (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) nói: “Tôi hay đi đường này, tôi thấy mình nên nâng cấp, sửa chữa cái đường này hơn là làm đường mới, đường mới thì nó xa hơn và không có dân. Ví dụ đi xe mình hư giữa đường thì cũng không biết sửa kiểu gì nữa”.

“Nếu đi đường tránh đèo thì mùa mưa cũng hay sạt lở; hai là  người dân đi lại không an toàn, vì không có dân; ba nữa là nó xa, nếu xảy ra vấn đề gì thì cũng nhiều người không biết. Còn đường đây đi lại thì nó gần dân, hai là nó chỉ hơi dốc một tí ở Măng Rơi này. Đúng ra đầu tư ở đường kia thì có cái lãng phí hơn đường đèo này”. Ông Trần Văn Quỳnh (thôn Mô Pả, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) nêu ý kiến.

Đường tránh đèo Măng Rơi có tổng mức đầu tư 543 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình dài trên 15 km, được thiết kế với mặt đường rộng 5,5 m, lề đường mỗi bên rộng 1 m; mặt đường bê tông nhựa hạt trung dày 7 cm.

Đường tránh đèo Măng Rơi
Đường tránh đèo Măng Rơi

Thực tế, lưu thông trên đường tránh đèo xa hơn đường đèo cũ khoảng 10 km. Đường tránh đèo có nhiều núi cao, vực sâu, ta luy dương có đoạn cao đến 50 m, đất nền yếu. Sau khi xây dựng xong, đường tránh đèo thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa, lượng đất cát tràn vào lòng đường nhiều, nên  các phương tiện lưu thông phải hết sức cẩn thận. Mặt khác, đoạn tránh đèo dài hơn 15 km không có người dân sinh sống nên dẫn đến tâm lý lo ngại của người tham gia giao thông. Sau hơn 7 tháng đi vào sử dụng, hầu hết các phương tiện vẫn chọn đường đèo cũ để đi lại thay vì đi trên đường tránh đèo.

Đường tránh đèo Măng Rơi hiện không đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo người dân trong việc tham gia lưu thông giữa hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Tô, chưa phát huy hiệu quả, gây ra lãng phí lớn đối với ngân sách Nhà nước.

Để giải quyết vấn đề tăng lưu lượng người tham gia lưu thông trên đường tránh đèo Măng Rơi, trong thời gian đến, UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành lắp đặt các biển báo chỉ dẫn tại khu vực đầu đường tránh đèo, cắm mốc km trên trục đường và tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân, đặc biệt là các chủ phương tiện trên địa bàn. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Đường tránh hiện nay nằm trong tổng kết cấu hạ tầng Quốc lộ 40B. Tuy nhiên trục Quốc lộ 40B chưa được đầu tư nâng cấp, nên hệ số lưu lượng xe lưu thông hàng ngày trên tuyến này rất ít. Về hướng tương lai, sau khi Quốc lộ 40B được nâng cấp, mở rộng, kết nối với đường đèo Măng Rơi, UBND huyện sẽ phối hợp với Sở GT-VT tuyên truyền, vận động các chủ xe, chủ phương tiện đi về hướng đường tránh, vì tuyến đường này độ dốc chỉ khoảng 11%, rất đảm bảo về an toàn giao thông, hạn chế đi về đường đèo cũ, vì đường đèo cũ đã xuống cấp, độ dốc quá 17%, có những đoạn trên 20%, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cũng như tai nạn giao thông rất cao”.

Ngoài ra, việc xây dựng đường tránh đèo Măng Rơi còn gây tác động, ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống, sinh hoạt, sản xuất của hàng trăm hộ dân tại khu vực chân đèo. Tại xã Văn Lem, huyện Đăk Tô, nhiều cánh đồng lúa rộng lớn của người dân giờ đây đã bị bồi lấp hoàn toàn, không thể cải tạo được; có những nơi bị bồi lấp hơn 1 m. Trong quá trình xây dựng đường tránh đèo Măng Rơi, lượng đất cát và đá sỏi đã làm hư hỏng hoàn toàn các công trình thủy lợi, thay đổi dòng chảy nguồn nước suối tự nhiên. Lãnh đạo UBND xã Văn Lem cho biết: Trên địa bàn hiện có hơn 19 ha đất nông nghiệp bị bồi lấp, trong đó có hơn 2,6 ha diện tích lúa hai vụ bị mất nước, hơn 8,5 ha cây hàng năm, cây lâu năm bị bồi lấp và hơn 3,9 ha đất lúa không có khả năng khôi phục…

Đầu năm 2017, Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Đăk Tô bắt đầu tiến hành chi trả tiền bồi thường cho người dân có diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp do thi công tuyến đoạn tránh đèo Măng Rơi, với tổng số tiền trên 9 tỷ 600 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ, tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là khi số tiền này được tiêu dùng hết thì người dân sẽ sống ra sao trong tình cảnh diện tích đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp và thiếu nước để canh tác nông nghiệp.

Triển khai xây dựng Dự án Quốc lộ 40 là việc làm cần thiết, mang ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để giao thương giữa hai tỉnh Quảng Nam – Kon Tum nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung. Tuy nhiên, việc xây dựng đường tránh đèo Măng Rơi thuộc dự án này còn nhiều bất cập, cần sớm có giải pháp cụ thể, hợp lý để phát huy hiệu quả công trình trong thời gian đến.

Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *