(kontumtv.vn) – Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cho phép ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng việc quy định các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt là cần thiết để bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu của Hiến pháp; đồng thời để tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ làm căn cứ khởi tố, điều tra đối với các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, viêc quy định như thế nào để tránh áp dụng tràn lan lại là vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Khi nào được ghi âm, nghe điện thoại bí mật?

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị chỉ nên quy định 3/5 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt do cơ quan soạn thảo nêu ra trực tiếp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Dự thảo quy định Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh trở lên thì có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thuộc một trong các trường hợp sau: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; Các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Có đề nghị của người tố giác tội phạm, người bị hại áp dụng đối với chính họ.

ghi am, nghe dien thoai bi mat de dieu tra toi pham tham nhung hinh 0
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình 

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết, bộ luật tố tụng hình sự nhiều nước có 11 biện pháp khác nhau. 5 biện pháp mà cơ quan soạn thảo lựa chọn có tính phổ quát cao nhất được các nước áp dụng, trong đó có cả Liên Hợp Quốc. Cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến Bộ Công an bằng văn bản và nhận được sự đồng ý về các biện pháp này.

Ông Nguyễn Hoà Bình cũng cho rằng biện pháp cơ sở bí mật (sử dụng cộng tác viên bí mật) là biện pháp thường xuyên của công an, đánh vào tổ chức tội phạm, những người có công còn có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự nên việc bỏ biện pháp này cần cân nhắc thêm.

Về thời điểm áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, theo Viện trưởng Nguyễn Hoà Bình, không nên quy từ khi khởi tố vụ án mà cần được tiến hành kể từ khi xác minh nguồn tin về tội phạm để qua đó có căn cứ để khởi tố tội phạm.

“Thực tế công an áp dụng từ quá trình đấu tranh chuyên án trước khi khởi tố rất nhiều. Ví dụ có người bị tống tiền họ đến báo công an rằng con trai bị bắt cóc, đối tượng hẹn ngày mai ra công viên giao tiền để con được thả. Vụ án chưa khởi tố mà giờ không cho ghi âm, ghi hình bí mật thì rõ ràng không bắt được người phạm tội. Nếu chỉ cho phép áp dụng sau khi khởi tố vụ án sẽ gây khó khăn cho quá trình điều tra”, ông Bình phân tích.

Không nên mở rộng vì dễ lạm dụng

Nhấn mạnh các biện pháp trên hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần rà soát kỹ, hạn chế áp dụng trong một số trường hợp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng việc ghi âm, ghi hình hay nghe điện thoại bí mật không được thực hiện phổ biến.

ghi am, nghe dien thoai bi mat de dieu tra toi pham tham nhung hinh 1
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý 

Ông Lý đề nghị biện pháp điều tra đặc biệt chỉ được thực hiện sau khi áp dụng các biện pháp khác được quy định trong bộ luật này.

Bà Lê Thị Thu Ba – Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cũng tán thành việc Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định biện pháp điều tra đặc biệt, vì chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền với nguyên tắc cái gì pháp luật cho phép thì các cơ quan nhà nước mới được làm.

“Cứ nói việc này lâu nay đã làm rồi nhưng đó là chuyện quá khứ, giờ xây dựng nhà nước pháp quyền thì những vấn đề quan trọng, nhất là liên quan đến quyền tự do của con người, quyền công dân thì rõ ràng theo Hiến pháp phải quy định trong luật. Có luật thì các cơ quan mới được làm và từ đó mới có cơ sở giám sát, kiểm tra, chứ không quy định biết đâu mà giám sát hay kiểm tra”, bà Lê Thị Thu Ba đặt vấn đề.

Các biện pháp điều tra đặc biệt được quy định như thế nào, có bao nhiêu biện pháp, theo Phó trưởng Ban thường trực Ban cải cách tư pháp Trung ương phải rất cân nhắc.

“Có trường hợp nếu không cho theo dõi, ghi âm, ghi hình, nghe điện thoại bí mật thì khó phát hiện sớm tội phạm để ngăn chặn và xử lý kịp thời. Nhưng việc cho phép cũng cần cụ thể trường hợp nào, không nên mở ra quá rộng sẽ dễ dẫn đến lạm dụng”, bà Ba nêu ý kiến./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *