(kontumtv.vn) – Trước thực trạng thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, phóng viên Đài PT – TH Kon Tum đa có cuộc trao đổi với ông Hoàng Chí Trung, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum có bao nhiêu điểm bán thức ăn ở đường phố, việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm tại những điểm này ra sao?
Ông Hoàng Chí Trung: Qua kết quả điều tra thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum có tổng số 550 điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Về chất lượng cũng như các điều kiện theo quy định, thì qua kết quả kiểm tra, đánh giá và chúng tôi đối chiếu với Điều 7, Điều 8 Thông tư 30 ngày 5/12/2012 của Bộ Y tế, về quy định các điều kiện đối với thức ăn đường phố, thì hầu như các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn hiện nay thì chưa đảm bảo theo quy định.
PV: Trước thực trạng trên, thời gian qua ngành đã quản lý như thế nào đối với những điểm bán thức ăn ở đường phố và việc quản lý này gặp những khó khăn như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Chí Trung: Theo quy định và phân cấp quản lý thì đối với thức ăn đường phố, trách nhiệm chính là thuộc về UBND xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên với trách nhiệm của mình, trong thời gian vừa qua, Chi cục ATVSTP chúng tôi đã tham mưu cho Sở Y tế và UBND tỉnh ban hành rất là nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cho UBND các huyện, thành phố và đặc biệt là UBND các xã, phường, thị trấn triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP trên địa bàn đối với dịch vụ thức ăn đường phố. Về khó khăn, tồn tại, thì như chúng ta biết, hiện nay đối với những người kinh doanh thức ăn đường phố thì đa số là những hộ nghèo, điều kiện kinh tế rất khó khăn và thất nghiệp rất là nhiều; về địa điểm cũng như cơ sở thì không ổn định, cho nên nhận thức về pháp luật cũng như hiểu biết về điều kiện ATTP còn rất hạn chế. Kèm theo đó thì có một số chây lì, né tránh và không tuân thủ các quy định và điều kiện về ATTP, cá biệt là có những trường hợp chống đối khi đoàn kiểm tra về ATTP tại cơ sở.
PV: Vâng, vậy để tháo gỡ những khó khăn đó thì trong thời gian tới ngành có giải pháp thắt chặt hơn nữa công tác quản lý đối với thức ăn đường phố như thế nào?
Ông Hoàng Chí Trung: Để quản lý tốt và tháo gỡ những khó khăn thì diểm quan trọng đầu tiên là sự vào cuộc và quan tâm thực sự của UBND xã, phường, thị trấn. Riêng đối với ngành Y tế thì trong thời gian đến, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo; phối hợp với Đài PT – TH tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về thức ăn đường phố. Thứ hai là chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác ATTP ở tuyến huyện và thành phố. Thứ ba chúng tôi sẽ cung cấp những tài liệu để tuyến huyện tổ chức tuyên truyền và triển khai các hoạt động về đảm bảo ATTP đối với thức ăn đường phố. Thứ tư thì sẽ tiếp tục chỉ đạo cùng với các ban, ngành, đoàn thể để tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra để đánh giá, phân tích những mối nguy về ô nhiễm thực phẩm, qua đó đề xuất những giải pháp quản lý hữu hiệu hơn. Và cuối cùng chúng tôi sẽ tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh cuối năm sẽ tổ chức một đoàn kiểm tra để kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện của UBND các huyện, thành phố, qua việc kiểm tra sẽ có những đề xuất giải pháp cho UBND tỉnh có bước chỉ đạo tiếp theo.
PV: Vâng, xin cám ơn ông về cuộc trao đổi hôm nay.
Thanh Thủy – Ngọc Chí