(kontumtv.vn) – Khi chuyển đổi sang cấu trúc mới, thông thường nhóm lợi ích sẽ bảo vệ và cản trở chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng mới.

Góp ý vào nội dung kinh tế của văn kiện Đại hội Đảng XII, Thạc sĩ Tạ Phúc Đường (Viện Kinh tế Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận thấy trong văn kiện Đại hội lần này Đảng đã có một sự điều chỉnh về mục tiêu, phát triển đất nước. Các kỳ đại hội trước, đặt mục tiêu đến 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp. Ở đại hội lần này, mục tiêu được điều chỉnh lại “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

"loi ich nhom" se can tro qua trinh chuyen doi mo hinh kinh te hinh 0
 Thạc sĩ Tạ Phúc Đường (Viện Kinh tế Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) (Ảnh: Minh Châu/dangcongsan.vn)

Thạc sĩ Tạ Phúc Đường phân tích, hai mục tiêu này hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên mục tiêu ở Đại hội lần này có phần khiêm tốn hơn nhưng có lẽ hiện thực hơn. Đảng đã nhận thức rõ nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế so với các nước trên thế giới nên đã có những đánh giá rất thẳng thắn, xác thực trong nội dung văn kiện, qua đó đưa ra được những định hướng về chuyển đổi mô hình kinh tế. Đây là định hướng đúng đắn, đã được khởi động ở đại hội XI, cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong đại hội XII.

Còn Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Đào Anh Tuấn kiến nghị cần phân tích nguyên nhân vì sao chưa đạt được mục tiêu đến 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp. Ông Đào Anh Tuấn cho rằng, có ý kiến đề nghị nếu đã phấn đấu thì nên phấn đấu thẳng lên nước công nghiệp hiện đại chứ không phấn đấu theo hướng, bởi sẽ rất khó đánh giá đến đoạn nào là đạt chỉ tiêu. Ví dụ hướng từ Hà Nội lên Lào Cai là rõ, nhưng đoạn nào của hướng Hà Nội – Lào Cai thì rất mơ hồ. Ông Đào Anh Tuấn cũng đề nghị cần xác định tiêu chí cụ thể của một nước công nghiệp hiện đại để phấn đấu đạt được tiêu chí.

Để đảm bảo thành công quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế, Thạc sĩ Tạ Phúc Đường kiến nghị 3 nút thắt cần được lưu tâm. Nút thắt cần được quan tâm đầu tiên là tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có vấn đề về “lợi ích nhóm”. Theo phân tích của Thạc sĩ Tạ Phúc Đường, khi chuyển đổi sang cấu trúc mới, thông thường “nhóm lợi ích” sẽ bảo vệ và cản trở chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng mới. Đây là vấn đề rất quan trọng và đáng quan tâm, cần có giải pháp để xử lý kịp thời, căn bản nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình.

Nút thắt thứ hai cần quan tâm đó là phát triển nguồn nhân lực. Thạc sĩ Tạ Phúc Đường cho rằng, muốn chuyển đổi nền kinh tế theo hướng chất lượng và hiệu quả đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng tương ứng. Thế giới đang hướng tới nền kinh tế tri thức, như vậy vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng quan trọng. Do đó, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ được coi là mấu chốt trong việc thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Nút thắt thứ ba, theo Thạc sĩ Tạ Phúc Đường là vấn đề cải cách thể chế kinh tế thị trường, cụ thể là cải cách môi trường kinh doanh. Một nền kinh tế muốn hiệu quả không thể thiếu được môi trường kinh doanh, đặc biệt sự tương tác giữa doanh nghiệp và nhà nước. Việc cải cách môi trường kinh doanh cũng như cải cách thể chế kinh tế thị trường không thể tách rời việc cải cách ở khu vực công. Trong nhiệm kỳ Đại hội XI, lĩnh vực hành chính công, cải cách thủ tục hành chính đã đạt được một số thành tựu. Tuy nhiên, muốn cải cách được lĩnh vực công cần phải làm nhiều hơn thế, cụ thể phải nâng cao tính minh bạch, giải trình trong khu vực công; có các biện pháp đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, thất thoát… những yếu tố có ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Thạc sĩ Tạ Phúc Đường, ngoài 3 nút thắt trong thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần được quan tâm, để thực hiện thành công chiến lược, đường lối về kinh tế trong văn kiện Đại hội XII, định hướng, đường lối bao trùm cần được làm sáng tỏ hơn nữa trong văn kiện đó là mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, giữa công bằng và hiệu quả. Ba mối quan hệ này sẽ mang tính dẫn dắt trong mọi hoạt động chỉ đạo cũng như điều hành về mặt kinh tế. Trong văn kiện Đại hội XII, những nội dung này mới được nêu chung chung ví như kết hợp hài hòa giữa các mối quan hệ, tuy nhiên trên thực tế, những mối quan hệ đó không phải lúc nào cũng hài hòa, đôi khi có xung đột với nhau. Vì thế khi có một đường hướng rõ ràng, thì khi xung đột xảy ra sẽ được xử lý hiệu quả./.

Hà Thanh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *