(kontumtv.vn) – Có ý kiến cho rằng Dự thảo Báo cáo chính trị chưa đề cập đến vị thế cũng như chưa quan tâm đúng mức tới những người trẻ.

Góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nguyễn Lê Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, Dự thảo xác định phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, tuy nhiên, đề cập trong nội dung phát triển kinh tế xã hội, không chỉ dung lượng chưa đáp ứng mà còn chưa thể hiện rõ vai trò, vị thế của giáo dục đào tạo, đặc biệt là đối tượng trẻ.

“Tôi không thấy một câu từ nào, một chỗ nào trong Dự thảo Báo cáo chính trị đề cập đến vị thế của những người trẻ, đề cập tới sự quan tâm, nhu cầu của Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức kinh tế xã hội đối với thế hệ trẻ. Phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ mà không có người trẻ là một khiếm khuyết lớn”, Nguyễn Lê Cường nhấn mạnh.

gop y dai hoi dang: nguoi tre o nhieu linh vuc con bi 'bo quen'? hinh 0
Hội nghị Văn nghệ sĩ trẻ góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng (Ảnh: thanhgiong.vn)

Ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhiều ý kiến cho rằng, hiện văn nghệ sỹ trẻ chưa có nhiều điều kiện để phát triển đam mê. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam), phản ánh thực tế trong 1.000 hội viên Hội Nhà văn hiện nay, người trẻ chỉ có 40, 50 người. Những sân chơi, diễn đàn, hội nghị dành cho nhà văn trẻ chưa được chú trọng. Thậm chí Hội nghị nhà văn trẻ hơn chục năm mới tổ chức được một lần. Nhiều người ở hội nghị trước còn là nhà văn trẻ, nhưng đến hội nghị sau đã được gọi là ông, là bà. Theo nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, thực tế người trẻ dường như không có chỗ đứng của mình, họ chỉ mong có nhiều hơn nữa những diễn đàn chính thống để được đóng góp, nêu quan điểm, chính kiến riêng của mình.

Có cùng tâm tư với nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, Họa sỹ Đỗ Hiệp, Chủ nhiệm CLB Họa sỹ Trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết người trẻ đứng trong hàng ngũ của hội văn nghệ sỹ còn ít. Sân chơi cho hàng ngũ văn nghệ sỹ trẻ rất hạn chế, chưa nói đến các cuộc nói chuyện, giao lưu giữa những văn nghệ sĩ trẻ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đề xuất: Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng cần chú trọng quan tâm đến đời sống văn nghệ sỹ, điều kiện sáng tác, làm việc, đầu tư các chương trình thực tế sáng tác cho người trẻ tham gia. Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng quan tâm hơn đối với nghệ thuật, cũng là quan tâm đầu tư đối với những người viết trẻ, phải có thêm các chương trình thực tế sáng tác, có thêm những giải thưởng để người trẻ tham gia, từ đó mới có thêm những gương mặt mới, lực lượng kế cận cho văn học Việt Nam trong tương lai.

NSƯT Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia cho rằng Đảng, Nhà nước có thêm nhiều chính sách quan tâm, ưu đãi hơn nữa đến các văn nghệ sĩ, đặc biệt là văn nghệ sĩ trẻ còn nhằm để động viên, khích lệ cũng như giúp họ yên tâm cống hiến cho đất nước.

Theo NSƯT Quốc Hưng, mỗi năm Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có rất nhiều học sinh, sinh viên đoạt các giải cao ở các cuộc thi quốc tế. Cùng với sự nỗ lực của bản thân các học sinh, sinh viên, nỗ lực chỉ dạy của các giáo sư đầu ngành, các giảng viên đã giúp các em ghi dấu ấn thuyết phục về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Những văn nghệ sĩ trẻ đó đã góp phần xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc đồng thời có sự tiếp thu đa dạng các tinh hoa văn hóa thế giới trên con đường xây dựng xã hội hiện đại, tiến tiến.

Cùng có mối trăn trở như NSƯT Quốc Hưng, Ca nương Phạm Thị Huệ chia sẻ, may mắn được đào tạo bài bản, có tiếng tăm và có một công việc ổn định ở Học viện Âm nhạc Quốc gia giúp chị có thể nuôi sống niềm đam mê ca trù. Tuy nhiên, không ít bạn bè chị, những ca nương trẻ, nhiều người cũng được đào tạo chính quy, hát tốt nhưng không thể sống được bằng nghề của mình.

Ca nương Phạm Thị Huệ bày tỏ, với nhiều ca nương trẻ hiện nay, những buổi biểu diễn nghệ thuật của họ chỉ để thỏa mãn niềm đam mê. Để duy trì cuộc sống, họ phải dạy thêm, diễn thêm thậm chí phải hát ở đám cưới, hát ở sự kiện, thậm chí hát giữa đám đông ăn uống ồn ào, pha tạp. Trong khi, ca trù chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được vang lên trong một không gian tĩnh lặng, cổ kính và giữa những khán giả thực sự muốn thưởng thức. Điều mà ca nương Phạm Thị Huệ mong muốn nhất đó là Nhà nước có chính sách thiết thực hỗ trợ những nghệ sỹ đang hết lòng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống./.
Thanh Hà/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *