(kontumtv.vn) – Ông Trần Ngọc Tăng: Cán bộ có rảnh rỗi thời gian không nhưng nhiều người có mặt ở khá nhiều các lễ hội.

Góp ý cho dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII, ông Trần Ngọc Tăng, đại biểu Quốc hội khóa XIII, ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, dự thảo đã chuẩn bị tốt, toàn diện, đánh giá đúng tình hình cơ bản hiện nay.

Dự thảo đánh giá tương đối phù hợp với tình hình thực tế

Theo ông Trần Ngọc Tăng, phần về vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, dự thảo đánh giá tương đối phù hợp với tình hình thực tế. “Ở nhiệm kỳ này, Đảng và Nhà nước có nhiều cố gắng và đạt được những thành tựu trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, đã mở rộng đối tượng hưởng thụ, chính sách đối với người có công, tín dụng cho sinh viên nghèo…. Theo báo cáo cáo của Chính phủ có gần 98% người có công có mức sống trung bình, 98% xã, phường làm tốt công tác đối với người có công. Đảng và Nhà nước đã làm tốt công tác an sinh xã hội và thể hiện rõ bản chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Tăng cho rằng, dự báo của chúng ta đôi lúc chưa được chuẩn xác. Ví dụ trong phần phụ lục dự thảo báo cáo, 15 chỉ tiêu để nước ta đạt được một nước công nghiệp vào năm 2020 thì có 10 chỉ tiêu không đạt, nhiều chỉ tiêu đang còn cách xa. “Nói như thế là vấn đề dự báo, dự báo trong Cương lĩnh, dự báo trong Đại hội XI và nhiều văn bản khác cần phải xem xét thêm”.

gop y dai hoi dang xii: can bo di le hoi nhieu vi ranh roi thoi gian? hinh 0
Ông Trần Ngọc Tăng, đại biểu Quốc hội khóa XIII, ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội 

Ông Trần Ngọc Tăng cũng cho rằng, dự thảo Văn kiện lần này đánh giá về văn hóa xã hội tương đối chuẩn xác, cả về những thành tựu, những mặt hạn chế, đặc biệt 8 hạn chế lớn về văn hóa-xã hội. Tuy nhiên, ông Tăng cho rằng, khi đã chỉ ra được hạn chế, cần phải có giải pháp cụ thể thì mới khắc phục được.

“Ví dụ, trong nhiều Nghị quyết, văn bản chúng ta đã nhấn mạnh xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng bây giờ cũng chưa rõ là xây dựng như thế nào, trong khi đây là bản chất cốt lõi của nền văn hóa Việt Nam”- ông Tăng nói.

Cán bộ yếu, quản lý văn hóa đáng lo ngại

Một trong những hạn chế về lĩnh vực văn hóa dễ thấy hiện nay là quản lý văn hóa nghệ thuật còn yếu, nhiều lễ hội phô trương lãng phí, tồn tại nhiều tệ nạn mê tín dị đoan gây phản cảm cho người dân. “Không biết cán bộ có rảnh rỗi thời gian không nhưng nhiều người có mặt ở khá nhiều các lễ hội. Nhiều nơi chỉ quan tâm đầu tư cho đình chùa trong khi những di tích lịch sử, truyền thống cách mạng của dân tộc thì lại chưa được quan tâm đúng mức”- ông Trần Ngọc Tăng trăn trở.

Theo ông Tăng, đất nước ta có một bề dày truyền thống văn hóa nhưng bây giờ, sản phẩm văn hóa hiện vật rất thấp, không có tác phẩm văn học nghệ thuật nào xứng đáng với tình hình cụ thể của đất nước trong vòng vài chục năm gần đây. Đời sống văn hóa các vùng chênh lệch nhau, quản lý thông tin báo chí, nhất là thông tin trên internet có nhiều bất cập, thậm chí không quản lý nổi. “Trên mạng xã hội trên 60% là tin rác không đúng sự thật, thậm chí đưa cả tin xấu về lãnh đạo, bất chấp về kỷ cương, luật pháp”.

Cũng mối lo về văn hóa, ông Tăng cho rằng, phong trào thể dục thể thao phát triển không đều, nếp sống thể thao của người dân có quá yếu. “Tôi từng ăn cơm với đội tuyển thể thao hồi còn phụ trách bóng đá. Văn hóa của các cầu thủ quá kém, họ có thể đấm đá, văng tục mọi nơi, ngay cả trong bữa ăn. Nhiều người mới có chút thành tích đã cho mình là ngôi sao, sống ích kỷ… Đây là những hiện tượng bất thường, gây phản cảm nhân dân”.

Theo ông Trần Ngọc Tăng, nguyên nhân của tình trạng trên một phần do việc đào tạo bồi dưỡng, phân công cán bộ văn hóa còn nhiều bất cấp. Đây là một ngành có tính chất đặc thù, phải có người có chuyên môn chỉ đạo, quản lý. “Đôi lúc chúng ta cũng hơi ngộ nhận, cứ là cấp ủy thì quản lý được tất. Từ những hạn chế, yếu kém vừa qua, chúng ta cần nhìn nhận lại để việc phân công cán bộ có năng lực, có chuyên môn trong lĩnh vực mình phụ trách, đặc biệt là những ngành đặc thù để lãnh đạo, chỉ đạo”.

Ông Trần Ngọc Tăng cũng lo ngại, trong xã hội hiện nay có nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, gây bức xúc, phản cảm trong nhân dân, trong đó cán bộ, đảng viên vi phạm rất nhiều, có cả cán bộ lãnh đạo quản lý. Tệ nạn xã hội diễn ra phức tạp, xử lý không bảo đảm sự kịp thời, nghiêm minh, né tránh làm dân lo lắng. “Ngày trước người ta vẫn cho rằng, ở thủ đô những tệ nạn này xấu ít, nhưng bây giờ ở ngoại thành tình trạng này khiến dân lo lắng. Đây là thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận”.

Vì thế ông Tăng cho rằng, dự thảo lần này đưa ra vấn đề mới là xây dựng con người Việt Nam văn hóa, đồng thời xây dựng môi trường văn hóa và đặc biệt xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế là hết sức cần thiết. “Đây là một điểm mới rất đáng hoan nghênh và phù hợp với tình hình hiện nay. Phát triển công nghiệp văn hóa, thì cần phải làm rõ xem giải pháp như thế nào, hội nhập quốc tế về văn hóa như thế nào để tiếp thu được tinh hoa văn hóa của thế giới. Đặc biệt hết sức quan tâm đến đội ngũ làm công tác văn hóa và lãnh đạo văn hóa. Đây là lĩnh vực đặc thù, những người làm công tác văn hóa có ảnh hưởng rất lớn”- ông Tăng nói./.

Minh Hòa/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *