(kontumtv.vn) – Theo nhiều chuyên gia, việc sinh viên ra trường không có việc làm, thậm chí nhiều thủ khoa cũng thất nghiệp là do ngành giáo dục không quy hoạch đầu ra.

Hiện nay, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng dựa vào nâng cao chất lượng và hiệu quả đòi hỏi phải có nguồn lực đầu vào là lực lượng lao động có kỹ năng. Vấn đề giáo dục, đào tạo được Đảng và Nhà nước quan tâm từ lâu, song còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi của nền kinh tế. Đặc biệt, chất lượng đào tạo trình độ đại học cao đẳng và sau đại học còn yếu kém và chậm cải thiện trong nhiều năm qua.

Sản phẩm của giáo dục quá xa với như cầu thực tế

GS.TSKP Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam cho rằng, nguồn nhân lực của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà nước ta đang chọn là theo kiểu phi cổ điển, nghĩa là con người là yếu tố quan trọng nhất. Nguồn nhân lực phải có chất lượng cao, ngoài phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cao phải có trình độ nghiệp vụ đã qua đào tạo, biết vận dụng trí thức vào thực tiễn, có tay nghề và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng và sáng tạo trong công việc.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng nhận định, đào tạo nguồn nhân lực thực chất là đào tạo lực lượng lao động trẻ có nền tảng kiến thức tốt và phát triển toàn diện. Nhà nước cần khai thác tốt nhất tiềm năng và khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Phải giáo dục cho lớp trẻ tình yêu gia đình, tình yêu Tổ quốc, tình yêu đồng bào.

gop y dh dang xii: khong tinh duoc dau ra, san pham giao duc "e am"? hinh 0
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

“Phải nhấn mạnh các vấn đề trên vì hiện nay còn bất cập, thể hiện ở chất lượng giáo dục không cao, sản phẩm của giáo dục là đào tạo con người thì còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của đất nước. Giáo dục và đào tạo không quy hoạch đầu ra dẫn đến tình trạng thanh niên ra trường không có việc làm, nạn thất nghiệp ngày càng nhiều”- ông Vũ Mão nhấn mạnh.

Chị Ngô Thu Trang, Cựu sinh viên Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, Thủ khoa xuất sắc Thành phố Hà Nội năm 2015 nêu một thực tế hiện nay, một số công việc trong khu vực Nhà nước lại yêu cầu tỉ lệ thâm niên công tác khá cao bên cạnh các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ điều này đã hạn chế đối tượng là các cá nhân xuất sắc nhưng trẻ tuổi. Hiển nhiên đã cổ vũ cho suy nghĩ cổ hủ ‘‘sống lâu lên lão làng’’ hay lãng phí một lượng lớn người có tài và có đức cống hiến cho một số công việc quan trọng.

Cần có chính sách đào tạo, đãi ngộ người tài hiệu quả

“Tôi nêu ví dụ, theo quy định hiện hành, điều kiện để được tuyển chọn làm thẩm phán tòa án cấp huyện phải có thời gian làm công tác pháp luật ít nhất 4 năm, tòa án cấp tỉnh ít nhất là 9 năm trừ một số trường hợp do nhu cầu hay cần thiết. Một điểm cần nhấn mạnh là việc giảm độ tuổi phải đi đôi với việc tổ chức kỳ thi công khai, minh bạch để tìm ra được người tài năng nhất. Vì thế, cần có chính sách cụ thể về ”nới lỏng độ tuổi” và giảm yêu cầu thâm niên công tác đối với một số công việc trong khu vực Nhà nước. Song song là tổ chức các kỳ thi công khai, minh bạch để tìm ra nhân tài cho quốc gia”- chị Trang đề nghị.

Chị Trang cho rằng, mặc dù Hà Nội đã có Nghị quyết số 14 năm 2013 về Chính sách trọng dụng nhân tài có quy định “việc xét tuyển đặc cách không qua thi tuyển đối với Thủ khoa xuất sắc và một số đối tượng khác”, nhưng vẫn chưa có hiệu quả trên thực tế. “Cần đặt câu hỏiNghị quyết do HĐND TP Hà Nội ban hành, tuy nhiên tại sao vẫn có ngành nghề tại Hà Nội vẫn yêu cầu Thủ khoa xuất sắc thi tuyển công chức. Ví dụ, tại Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vẫn yêu cầu thi công chức đối với thủ khoa xuất sắc, hay việc thi tuyển viên chức vào ĐH Luật Hà Nội… Rõ ràng ở đây có sự không đồng nhất giữa các cơ quan”.

.

gop y dh dang xii: khong tinh duoc dau ra, san pham giao duc "e am"? hinh 1
Cần có chính sách đào tạo, đãi ngộ người tài hiệu quả (ảnh minh họa-KT)

ThS Tạ Phúc Đường, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, cũng nhấn mạnh, việc sử dụng nguồn lao động chất lượng cao rất quan trọng. Tuy vậy, người tài sẽ không thể phát huy khả năng với điều kiện, môi trường làm việc không khuyến khích, đề cao người tài. “Đào tạo và đãi ngộ người tài cần phải là những chính sách song hành không thể thiếu. Đây rõ ràng là một nút thắt và một thách thức lớn đối với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới”.

Theo chị Trang nên bỏ kỳ thi sát hạch công chức và tuyển thẳng đặc cách các Thủ khoa vào các cơ quan tổ chức có nhu cầu và phù hợp với ngành nghề của các Thủ khoa. Sau đó trong quá trình làm việc các cơ quan này sẽ bằng các biện pháp chuyên môn sẽ đánh giá được thực chất hơn và đúng đắn hơn trình độ của mỗi Thủ khoa bằng nhiều hình thức, bằng chính cả sản phẩm mà các Thủ khoa tạo ra trong quá trình làm việc thay vì chỉ có kiểm tra bằng hình thức vấn đáp.

GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn, Viện Hàn Lâm KHCN Việt Nam cũng cho rằng, cần xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học./.

Minh Hòa/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *