(kontumtv.vn) – Đông con ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số, kinh tế gia đình, gây áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh – xã hội tại địa phương và kéo theo nhiều hệ lụy về lâu về dài.

Năm 2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum tăng cao. Ở các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, tỷ lệ này dao động từ 25 – 30%. Đông con khiến cuộc sống của nhiều hộ gia đình gặp khó khăn. 32 tuổi, hiện có con 16 tháng tuổi, chị Y Phát (thôn Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) cho biết việc chăm sóc, nuôi nấng 04 đứa con vô cùng vất vả,  đối với gia đình nghèo.

Chị Y Phát chia sẻ: “Khổ lắm. Chồng làm xa mà vợ ở nhà mệt lắm. Con không đủ no. Quần áo không có mặc mà. Con cái đi học hành thì dép, quần áo mẹ mua cho thầy cô cũng kêu là đồ gì học sinh không ra học sinh, tại vì ở nhà khổ vậy đó nên không có tiền để mua đồ cho con đi học”.

Cuộc sống khó khăn của gia đình đông con
Cuộc sống khó khăn của gia đình đông con

Thực tế, các gia đình đông con thường là hộ nghèo. Vì nghèo nên không có điều kiện nuôi dạy con cái đầy đủ. Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tại nhiều địa phương từ đó cũng gia tăng, gây áp lực lớn đối với việc thực hiện chính sách an sinh – xã hội. Ngoài ra, với tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao như hiện nay, việc thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất đang là nỗi lo của nhiều địa phương. Ông Phạm Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy nói: “Việc sinh con thứ 3 ảnh hưởng lớn đến vấn đề phát triển kinh tế của mỗi gia đình và đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì với bà con, ngoài việc sản xuất nông nghiệp thì không có điều kiện tham gia các hoạt động kinh doanh, buôn bán cũng như các nghề nghiệp khác, vì không được qua đào tạo. Mà đã sinh con thứ 3 nhiều như vậy thì rõ ràng với quỹ đất hiện tại của xã là không đủ. Với một số lượng dân số và với diện tích đất nông nghiệp như vậy thì bà con sẽ khó có khả năng đảm bảo ổn định cuộc sống trong thời gian tới”.

Qua tìm hiểu, nhiều gia đình, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa sinh rất nhiều con, từ 3 con trở lên, thậm chí có gia đình 7 – 8 người con. Đông con không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, mà còn tác động không nhỏ đến người mẹ cũng như khiến việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ gặp rất nhiều khó khăn.

Với mong muốn có con trai, chị Y Hồng (thôn Kon Hia 3, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông) quyết định sinh đứa con thứ 5 ở tuổi 48. Trước đó, gia đình đã có 4 con gái. Đứa lớn năm nay gần 20 tuổi. Sinh con muộn khiến sức khỏe của chị suy giảm. Việc chăm sóc con nhỏ càng khó khăn, vất vả. Chị Y Hồng nói: “Sinh thêm 1 đứa con trai để giúp bố mẹ, để tương lai của bố nó sau này. Cũng vất vả lắm. Anh chị đi học hết rồi, bây giờ mỗi mình chồng đi làm thôi. Mình ở nhà nuôi, chăm sóc miết, cũng vất vả, không biết như thế nào, phải cố gắng, lỡ đẻ rồi”.

Đông con ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cả mẹ và trẻ. Bà Mai Thị Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn xã rất cao, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh, xã hội, chính sách, sự phát triển kinh tế, xã hội như về vấn đề đói nghèo xảy ra, tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng. Tỷ lệ sinh con thứ 3 nhiều, vấn đề bà mẹ thiếu sự quan tâm đến con cái, đến tháng đi tiêm chủng cho con cái cũng rất là ít, cho nên cán bộ bên trạm  phải thường xuyên đến tận thôn, làng nhắc nhở các bà mẹ phải đưa con đi tiêm chủng cho đạt”.

Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đang có chiều hướng gia tăng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Từ đó, kéo theo nhiều hệ lụy về lâu về dài. Điều này đặt ra thách thức cho nhiều địa phương trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh – xã hội trên địa bàn.

Thu Trang – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *