(kontumtv.vn) – Là huyện biên giới, trên 57% dân số là người dân tộc thiểu số,  những năm qua, huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp quan tâm hỗ trợ hộ DTTS phát triển kinh tế, xóa nghèo, nâng cao đời sống. Trong đó, huyện đã chú trọng phát huy hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân.

Nhờ chăm sóc tốt, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên năm nay gia đình anh A Duy (làng Đăk Wớk Yốp, xã Hơ Moong) đã có thu nhập từ 6 sào cà phê. Đây là diện tích cà phê anh được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ từ mô hình trồng cây cà phê vối ghép xen canh cây đinh lăng thuộc chương trình khuyến nông khuyến lâm. Không chỉ vậy, anh còn được xã hướng dẫn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế. Anh A Duy chia sẻ: “Nhà nước hỗ trợ tôi cây cà phê, rồi nhà, rồi mình bắt cá thì họ cũng cấp cho mình lưới, cũng đỡ hơn mọi năm trước”.

Giai đoạn năm 2014 – 2019, từ các chương trình, dự án của Nhà nước, huyện đã tiếp nhận và đầu tư hơn 36 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 10.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, trong đó phần lớn là hộ DTTS phát triển kinh tế. Nhờ vậy, diện tích cây công nghiệp như cao su, cà phê, bời lời …vùng ĐBDTTS ngày càng mở rộng. Đến nay hầu hết hộ dân đã phát triển được cây công nghiệp.

Mô hình cà phê vối ghép xen canh cây đinh lăng
Mô hình cà phê vối ghép xen canh cây đinh lăng

Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng nâng cao trình độ sản xuất cho người DTTS, đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 1.000 lao động, giới thiệu cho gần 370 lao động có việc làm ổn định tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Đặc biệt, để giúp người dân tự tạo việc làm, tăng thu nhập, từ nguồn ngân sách huyện đã hỗ trợ cho một số làng khôi phục nghề dệt thổ cẩm, và thành lập tổ hợp tác bó chổi đót.Chị Y Thuut, thôn trưởng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy là một trong gần 50 hộ trong thôn có thu nhập ổn định từ nghề phụ này. Trước đây những tháng nông nhàn, bà con không có việc làm, nhưng 2 năm nay nhờ huyện hướng dẫn nên giờ đây nhiều hộ dân trong thôn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để bó chổi đót, dệt tổ cẩm, bình quân mỗi tháng cho thu nhập từ 1 đến 2 triệu đồng. Những vật liệu để bó chổi như cây đót, tre, dây mây là nguyên liệu sẵn có trên địa bàn. Chị Y Thuut chia sẻ: “Được Đảng, Nhà nước, huyện quan tâm cho dân làng Kà Đừ học 2 lớp bó chổi đót, 46 hộ. Bữa nay các gia đình biết cách làm chổi đót để tăng thu nhập trong mùa mưa, ngày nắng họ đi làm, ngày mưa không đi làm được họ làm để tăng thu nhập cho gia đình. Mình bán trong làng họ cũng hỏi mua, các quán trong làng, hoặc các thôn”.

5 năm qua, huyện Sa Thầy đã tạo điều kiện cho hơn 10.400 lượt hộ được vay vốn với số tiền trên 300 tỷ đồng để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ. Qua đó người dân đã từng bước thay đổi tư duy, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, phần lớn hộ DTTS đã mua sắm được các phương tiện như máy cày, máy kéo, máy làm đất để phục vụ sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông A Ling (làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi) nói: “Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, trước hết điện, đường, trường, trạm, vấn đề hộ nghèo, gia đình tàn tật, ảnh hưởng chất độc da cam, đời sống của đồng bào dân tộc so với trước đây đỡ hơn. Bà con có một số mua máy móc, máy cày vừa chở mỳ, chở hàng. Cơ sở hạ tầng so với trước khác nhiều”.

Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 240 hộ DTTS thoát nghèo, giảm được gần 490 hộ cận nghèo. Đời sống người dân vùng ĐBDTTS đã được nâng lên, góp phần giảm khoảng cách về thu nhập, mức sống, điều kiện sống giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi. Ông Đặng Ngọc Thơ, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sa Thầy cho biết: “Thứ nhất đẩy mạnh nâng cao tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo. Thứ hai đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực trong ĐBDTTS. Thứ ba tiếp tục đầu tư hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và thông tin để kết nối vùng ĐBDTTS với các trung tâm đô thị. Thứ tư tiếp tục hỗ trợ đầu tư gắn với những lợi thế ở địa phương như hỗ trợ phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên sông hồ, phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu có kinh tế cao”.

Đến nay, bộ mặt nông thôn vùng DTTS đã khởi sắc rõ nét. Hệ thống giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa khang trang đến từng thôn, làng. Nhiều hộ đã xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã thay đổi rõ nét. Đây là thành quả của chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ĐBDTTS, cộng với nỗ lực vươn lên của bà con DTTS, góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn.

                                      CTV Trang Nhung – Thanh Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *