(kontumtv.vn) – Trong quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn cần có những cơ chế đặc thù riêng, phù hợp với điều kiện sản xuất và tập tục canh tác của bà con. Và cách làm riêng, sáng tạo tại khu sản xuất tập trung của các hộ ĐBDTTS huyn Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng là một cách làm hay, hiệu quả.

Gia đình anh Ka Trum ở Xã Mỹ Đức là một trong 185 hộ ĐBDTTS được phân bố đất và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cây cao su tại huyện Đạ Tẻh. Trước thực trạng, trong thời gian qua nhiều hộ  ĐBDTTS trên địa bàn được cấp đất sản xuất nhưng không đầu tư canh tác mà sang nhượng lấy tiền tiêu xài, sau đó lại lặp lại cảnh thiếu đất sản xuất, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, UBND huyện Đạ Tẻh quyết định thành lập khu sản xuất tập trung để các hộ đồng bào sản xuất cao su. Theo đó, các nông hộ này được hỗ trợ một phần giống, kỹ thuật để canh tác và thu hoạch cao su nhưng tạm thời chưa cấp giấy quyền sử dụng đất. Cách làm này đã hình thành nên một vùng sản xuất ổn định và đã nhận được sự đồng thuận của lòng dân. Anh Ka Trum nói: “Một số người bị người khác xúi giục bán đất hoặc chuyển nhượng, một số người còn dựa dẫm vào chính sách của Nhà nước, không ý thức được việc mình làm, đem bán đất đi. Nhà nước giữ lại đất cho mình là tốt, sau này mình có đất mà làm”.

Trồng cao su tập trung mang lại hiệu quả cao cho ĐBDTTS
Trồng cao su tập trung mang lại hiệu quả cao cho ĐBDTTS

Cao su là một loại cây trồng chịu hạn, dễ chăm sóc, đầu tư không quá tốn kém, phù hợp với điều kiện sản xuất của ĐBDTTS. Hiện huyện Đạ Tẻh có 185 ha trồng cao su giao cho 185 nông hộ người đồng bào DTTS sản xuất, trong đó xã Mỹ  Đức 65 ha và xã Quốc Oai 120 ha. Mặc dù giá mủ cao su hiện nay không cao, chỉ hơn 6 ngàn đồng/ lít nhưng sau 5 năm chăm sóc, mỗi ha cũng cho các nông hộ nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Chăm sóc cao su không mất nhiều thời gian, công sức nên ngoài ra các nông hộ người ĐBDTTS này còn sản xuất các loại cây trồng khác nên cuộc sống đã ổn định và khá hơn trước. Anh Ka Đơn (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) cho biết: “Đầu tiên là phát sạch cỏ, sau đó tiến hành đào hố, bón lót phân vi sinh, tiến hành cách ly xong mình xuống cây, chăm sóc, xịt thuốc kích thích. Mùa nắng xịt liên tục thuốc dưỡng cây, chăm sóc thì được Trung tâm Nông nghiệp hướng dẫn”.

“Thực hiện chủ trương hướng dẫn nhân dân chuyển đổi 1.500 ha cây điều trên đất nông nghiệp có điều kiện thay thế các loại cây trồng khác, trong đó ưu tiên phát triển cây dâu tằm, cao su, một số loại cây ăn quả, cùng với sản xuất, chúng tôi tìm cách tiêu thụ sản phẩm cho bà con, tìm hợp đồng tạo đầu ra cho sản phẩm”. Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh nói.

Bằng việc hỗ trợ các điều kiện sản xuất và nhất là có phương pháp ràng buộc để bà con DTTS không thể sang nhượng đất đai – tư liệu sản xuất quan trọng nhất, đã giúp nhân dân địa phương phát triển nông nghiệp, ổn định cuộc sống. Mỗi cơ chế, chính sách sát với thực tiễn đem lại lợi ích thiết thực cho người dân Lâm Đồng đã nhận được sự ủng hộ của lòng dân và cũng là vì sự phát triển chung của xã hội

Mai An – Ngọc Tuấn

Đài PT-TH Lâm Đồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *