(kontumtv.vn) – Nhằm định hướng sản xuất nông nghiệp sạch và phục vụ Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Kon Tum đã triển khai mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn trong năm 2017. Bước đầu mô hình đã cho kết quả đáng khích lệ.

Gần 20 năm gắn bó với công việc trồng rau hoa xứ lạnh tại huyện Kon Plông, thế nhưng chưa niên vụ nào năng suất rau xanh của bà Nguyễn Thị Thụy Mỹ (xã Đăk Long, huyện Kon Plông) lại đạt cao như năm nay. Khi áp dụng mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn do Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản hỗ trợ, sản lượng các sản phẩm như bắp cải, dâu tây, cà chua, cải, súp lơ đều tăng, trong khi mức đầu tư giảm đáng kể. Bà Nguyễn Thị Thụy Mỹ nói: “Từ chuyện mày mò nay chúng tôi đã làm bải bản hơn, có khoa học hơn, có kỹ thuật hơn nên giá thành giảm khoảng 20%, sản phẩm sau khi hợp tác với Chi cục sản lượng tăng lên từ 20-30%”.

Sản xuất rau an toàn
Sản xuất rau an toàn

Nhằm định hướng cho bà con nông dân sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2017 Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh triển khai mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn tại thành phố Kon Tum và tại huyện Kon Plông. Theo đó, các hộ nông dân được tập huấn, hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật để sản xuất rau an toàn với diện tích gần 3,5 ha. Đồng thời Chi cục có trách nhiệm theo dõi, đánh giá, cấp chứng nhận sản phẩm rau an toàn cho bà con nông dân. Bà Trần Thị Hảo, cán bộ Chi cục cho biết: “Việc áp dụng đúng theo quy trình rất quan trọng, nếu công tác giám sát, kiểm tra không thường xuyên, sai một quy trình thì sản phẩm cuối cùng không đảm bảo. Vì vậy chúng tôi đặt việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các đối tác tham gia mô hình lên hàng đầu để cho ra sản phẩm cuối cùng là đạt chất lượng”.

Qua gần 6 tháng triển khai mô hình cho thấy, các hộ nông dân tham gia đã nắm bắt và áp dụng tốt quy trình sản xuất rau an toàn. Giá thành sản phẩm hạ, năng suất tăng và môi trường sản xuất được đảm bảo. Ông Đỗ Văn Luận (tổ 4, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) nói: “Chi cục đã chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và vấn đề chọn giống, chọn nước và các loại rau, thuốc bảo vệ thực vật và các quy trình sản xuất. Trong đó nói rõ mình sản xuất rau thì mình phải áp dụng theo phương pháp 4 đúng, đúng thuốc, đúng lúc, đúng thời gian và đúng nồng độ, cái thứ 5 nữa là đúng thời gian cách ly để khi thu hoạch sản phẩm an toàn ra đưa tới tay người tiêu dùng”.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản còn kết nối, giúp bà con giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng cung ứng rau an toàn trên địa bàn thành phố Kon Tum. Hoạt động này không chỉ giúp bà con nông dân phấn khởi, mà con giúp người tiêu dùng an tâm.

Hiệu quả bước đầu của mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn là cơ sở để Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Kon Tum tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Kon Tum cho biết: “Năm 2018 và những năm tiếp theo chúng tôi tiếp tục duy trì mô hình đã xây dựng trong năm 2017, đồng thời tiếp tục xây dựng mô hình chuỗi có xác nhận an toàn đối với các sản phẩm thịt gà, thịt heo, giò chả và các sản phẩm khác nhằm đáp ứng cho người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn”.

Sản xuất nông nghiệp theo mô hình công nghệ cao, có chứng nhận nguồn gốc sản phẩm an toàn gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm là phương thức sản xuất của  nông nghiệp hiện đại, phục vụ cho lợi ích của người tiêu dùng. Mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn do Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản triển khai cũng là bước cụ thể hóa phương thức sản xuất hiện đại vào thực tiễn trên địa bàn tỉnh.

                                                Văn Hiển – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *