(kontumtv.vn) – Vụ Đông Xuân năm nay, Sở NN&PTNT Bình Định phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương tại Quảng Nam đã triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng lớn ở các xã Nhơn Lộc và Nhơn Thọ – thị xã An Nhơn. Đây là mô hình mới, có sự tham gia liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương trong việc hỗ trợ giúp bà con nông dân phát triển sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa theo hướng bền vững.

Mô hình cánh đồng lớn này có diện tích 160 ha sản xuất giống lúa thuần mới Thiên ưu 8 trong vụ đông xuân năm nay tại HTX Nông nghiệp Nhơn Lộc 1, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hơn 400 hộ nông dân của HTX tham gia sản xuất đã được ngành nông nghiệp và Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương trực tiếp hướng dẫn áp dụng có hiệu quả quy trình kỹ thuật canh tác mới, nên cây lúa trong mô hình ước đạt năng suất bình quân hơn 80 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng sản xuất các giống lúa khác từ 5 tạ đến 10 tạ/ha. Nông dân thu lãi trên 1 ha gần 28 triệu đồng, cao hơn ruộng đối chứng khoảng 5 triệu đồng. Sản phẩm lúa của bà con nông dân làm ra được Công ty bao tiêu, với giá thu mua cao hơn 1,2 lần so với giá giống lúa thịt tại thời điểm. Ông Nguyễn Thanh Tú­, nông dân thôn An Thành, xã Nhơn Lộc nói: “Nhận thấy giống Thiên ưu đây được nông dân ưa chuộng nhất, đạt năng suất, đối với vụ Đông  Xuân đạt 80 tạ/ha, sâu bệnh thì vẫn ít hơn những giống lúa khác, đạo ôn cũng chưa thấy xuất hiện. So với các loại khác, chúng tôi ưa chuộng giống đây”.

HIEU QUA MO HINH CHUOI LIEN KET SAN XUAT LUA TREN CANH DONG LON

“Trong sản xuất giống, HTX cũng thực hiện các khâu nghiêm ngặt theo hợp đồng giữa công ty và HTX, công ty vẫn thu mua hết lượng lúa giống đã xuất với điều kiện phải đảm bảo chất lượng để tiêu thụ, đánh giá mức độ giống”. Ông Đoàn Thành Chung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhơn Lộc 1 cho biết.

Tại mô hình sản xuất khảo nghiệm giống lúa thuần mới VNR20 tại HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ, xã Nhơn Thọ, với 146 hộ nông dân tham gia sản xuất trên diện tích 30 ha chân ruộng 2 vụ lúa/năm. Bà con cũng đã được hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất giống lúa mới, nên kết quả năng suất lúa trong mô hình ước đạt 82,4 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng sản xuất giống ĐV108 là 16,2 tạ/ha. Nông dân thu lãi trên 1 ha là 28,2 triệu đồng, cao hơn ruộng đối chứng 9,8 triệu đồng. Mô hình đã có sự tham gia liên kết chặt chẽ của “4 nhà” trong việc hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ cho biết: “Giống này có khả năng chống chọi với một số loại sâu bênh gây hại trong vụ đông xuân như đạo ôn hay lép hạt, hơn nữa nó chống đổ ngã rất tốt. Theo nhận xét chung, nó có triển vọng thay thế cho một số loại giống lúa thuần nhiễm bệnh trong các vụ sắp tới”.

“Công ty thực hiện vai trò đầu vụ ký hợp đồng, liên kết sản xuất, đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con áp dụng để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau đó, công ty thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá gấp 1,25 lần so với giá thông thường ngoài thị trường với điều kiện phải đảm bảo chất lượng”. Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương tại Quảng Nam cho biết.

Thời gian qua, chính quyền địa phương và các HTX nông nghiệp ở thị xã An Nhơn đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp với ngành nông nghiệp và doanh nghiệp tổ chức mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng lớn mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Với kết quả đó, trong thời gian tới, Sở NN& PTNT tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác nhằm đẩy mạnh hoạt động chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa theo hướng bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Ngọc Tống

Đài PT-TH Bình Định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *