(kontumtv.vn) – Mô hình sản xuất rau an toàn được triển khai tại huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) được khoảng gần 1 năm nay, đang cho thấy hiệu quả tốt. Chỉ khoảng 1 sào được hỗ trợ đầu tư ban đầu, đến nay diện tích sản xuất rau an toàn được nhân dân mở rộng được hơn 1 ha. Sản phẩm của mô hình này hiện không chỉ tăng thu nhập cho bà con nông dân, mà còn là nguồn cung cấp rau xanh an toàn cho thị trường.

Đầu năm, gia đình ông Ong Thế Hồng (thôn Ngọc Yên, xã Đăk Xú) được Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hồi hỗ trợ đầu tư xây dựng 500 m2 diện tích nhà màn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau xanh an toàn. Sau lứa rau đạt năng suất và chất lượng, gia đình ông tiếp tục mở rộng thêm 2,5 sào nhà màn để trồng rau. Nhờ đó, năm nay năng suất rau của gia đình ông tăng khoảng 30%, đem về thu nhập cao gấp 1,5 lần so với những năm trước. Ông Hồng nói: “Gia đình kết hợp xây dựng nhà màn để sản xuất rau an toàn. Cái lợi đầu tiên phải nói là giảm rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật cho gia đình và cộng đồng, tiếp nữa là xây dựng nhà màn thì thời gian chăm sóc 1 lứa rau giảm từ 3 – 5 ngày, lượng nước tưới giảm tối đa từ 20 – 30 % so với sản xuất phổ thông, từ đó thì sản lượng thúc đẩy lên”.

TRồng rau an toàn trong nhà màn
TRồng rau an toàn trong nhà màn

Thôn Ngọc Yên và Ngọc Hải, xã Đăk Xú là khu vực chuyên sản xuất rau xanh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng ngày của thị trấn Plei Kần và các xã lân cận. Trồng rau ở đây chủ yếu theo phương pháp thủ công truyền thống, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, gia đình ông Ong Thế Hồng và nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, phát triển trồng rau trong nhà màn. Ông Đào Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động, tuyên truyền cho người dân thấy được giá trị cũng như sản phẩm an toàn đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trạm BVTV mở các lớp tập huấn về xây dựng nhà lưới, thứ hai là về kỹ thuật canh tác, đặc biệt là không sử dựng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế dùng ở mức thấp nhất,  đảm bảo cho bà con kỹ thuật nhà màn, chăm sóc để đạt kinh tế cao hơn”.

Tại huyện Ngọc Hồi, mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà màn hiện đã phát triển lên trên 1 ha, tập trung ở xã Đăk Xú và Đăk Kan. Đầu tư chi phí khoảng 30 triệu đồng/ sào đất để xây dựng nhà màn đối với nông dân là một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế thu về rất lớn. Với mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà màn, nông dân tiết kiệm được 2/3 chi phí thuốc bảo vệ thực vật và có thể sử dụng 100% phân hữu cơ trong sản xuất. Tỉ lệ rau bị bệnh luôn dưới 5% diện tích. Trong khi đó năng suất và chất lượng rau tăng từ 20% trở lên so với trồng rau ngoài trời. Ông Nguyễn Cường, Phó Phòng NN& PTNT huyện Ngọc Hồi nói: “Mô hình này được bà con đánh giá cao. Qua mô hình bà con đã tiếp cận được kỹ thuật trồng rau trong nhà màn. Từ đó, Phòng Nông nghiệp phối hợp với UBND xã, thị trấn tuyên truyền bà con thực hiện và nhân rộng mô hình trong toàn huyện. Đây cũng là một mô hình trọng tâm của phòng trong phát triển các cây trồng, vật nuôi. Năm 2018, phòng sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình”.

Việc phát triển sản xuất rau an toàn không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nhân dân cải thiện thu nhập mà còn tạo ra nguồn rau xanh an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. 

Hà My – Đức Thắng

                                                                                 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *