(kontumtv.vn) – Xác định thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương, tỉnh là góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, thời gian qua huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã tập trung triển khai hỗ trợ đúng và kịp thời cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách, qua đó tạo điều kiện cho các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2014, gia đình anh A Van (thôn Ka Bầy, Sa Bình, Sa Thầy) được huyện hỗ trợ một con bò cái sinh sản từ nguồn vốn theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán và chuyển đổi ngành nghề. Sau hơn 1 năm chăm sóc, bò đã sinh sản được một con, tạo điều kiện cho gia đình anh có cơ hội thoát nghèo trong thời gian đến. Anh A Van nói: “Gia đình tôi nhờ được hỗ trợ  một con bò sinh sản, vay thêm Nhà nước 15 triệu mua một con bò nữa. Chúng tôi cố gắng chăm sóc bò tốt, cho sinh sản sau này có tiền trả lại Nhà nước, để mình thoát nghèo”.

Kiểm tra mô hình trồng cà phê của hộ nghèo do Nhà nước hỗ trợ
Kiểm tra mô hình trồng cà phê của hộ nghèo do Nhà nước hỗ trợ

Trên cơ sở các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện Sa Thầy đã chỉ đạo chính quyền địa phương sử dụng đúng mục đích các nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án, thực hiện cấp đúng, đủ, kịp thời theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tính riêng trong năm 2015, thông qua nguồn vốn của Chương trình 135, Quyết định 755, nguồn vốn hỗ trợ xã trọng điểm đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh… huyện Sa Thầy đã hỗ trợ hơn 480.000 cây bời lời cho 348 hộ, tổng diện tích hơn 100 ha; hỗ trợ hơn 45.000 cây giống cà phê cho 62 hộ trồng 40 ha, 855 cây cao su cho 55 hộ, 567 con bò giống cho 567 hộ, 124 con heo cho 35 hộ, gần 10 tấn phân bón và nhiều dụng cụ hỗ trợ sản xuất khác, tổng nguồn vốn gần 13 tỷ đồng. Bà Tống Thị Nghĩa, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Sa Thầy cho biết: “Thực hiện chủ trương, chính sách về hỗ trợ, phát triển cây con, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn  thực hiện tốt các chính sách đó, hỗ trợ đến người dân đúng, đủ đối tượng. Qua việc hỗ trợ đã đưa những giống cây con mới có năng suất, chất lượng cao để hỗ trợ cho bà con nhằm ổn định cuộc sống, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”.

Song song với việc thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, huyện Sa Thầy chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền theo nhiều hình thức về các chương trình, dự án để người dân hiểu rõ; lựa chọn phương án sản xuất, thông báo công khai các chính sách hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ, lựa chọn các hộ có điều kiện để đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Sa Bình nói: “Khác với trước đây, cứ  hộ nghèo thì Nhà nước cho gì cũng được, hiện nay xã Sa Bình  để người dân chủ động trong công tác giảm nghèo. UBND xã phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo phối hợp với trưởng thôn xuống cơ sở hướng dẫn  người dân cách thức làm ăn để người dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật”.

Có thể nói, từ nguồn kinh phí đầu tư của các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đã giúp nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sa Thầy tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và ổn định đời sống, góp phần cùng với địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Chí – Đức Thắng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *