(Chinhphu.vn) – Trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2016; thị sát và chỉ đạo công tác chống hạn; tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Lan Thương; phát động Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ… là những hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 3/2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm, năm 2015 đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015, thấp nhất kể từ năm 2001. Trong lĩnh vực tiền tệ đã bảo đảm mặt bằng lãi suất phù hợp và vốn tín dụng cho nền kinh tế,… đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển….

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực và Chương trình hành động về hội nhập quốc tế, vì lợi ích cao nhất của quốc gia dân tộc, góp phần quan trọng tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững hòa bình, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong nhiệm kỳ, đã tích cực đàm phán tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng thẳng thắn nêu rõ những mặt còn hạn chế trong chỉ đạo, điều hành. Từ đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, trong đó bài học đầu tiên là phải quán triệt, thể chế hóa kịp thời, phù hợp chủ trương đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất.

* Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, trong đó nêu các giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong 5 năm tới.

Mục tiêu tổng quát của 5 năm tới được Chính phủ đề ra là: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Báo cáo này cũng đưa ra 8 giải pháp mà Chính phủ sẽ tập trung thực hiện để đạt được các mục tiêu nêu trên.

* Thành viên Chính phủ cần nắm chắc tình hình, đề cao trách nhiệm; kịp thời phản ứng, đề ra các chính sách ứng phó hiệu quả nhất – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh điều này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2016 khi đề cập tới những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh, sắp tới sẽ có sự chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Chính phủ và đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng; việc bàn giao, chuyển giao cần đặc biệt quan tâm sớm ổn định tổ chức để tiếp tục quyết liệt hành động, đoàn kết, chung sức, nhất trí, bám sát nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ đã được đề ra để quyết liệt hành động, bảo đảm các hoạt động của Chính phủ – cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện chức năng hành pháp của đất nước được liên tục.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần tiếp tục tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; trong đó trước mắt hết sức quan tâm nông nghiệp, triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với xâm nhập mặn, tình trạng khô hạn nhằm giảm thiểu thiệt hại, kịp thời khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

Nhân dịp này, người đứng đầu Chính phủ gửi lời cảm ơn chân thành tới các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ,… đã hết sức ủng hộ để cá nhân Thủ tướng thực hiện được tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó với tư cách là người đứng đầu Chính phủ trong 2 nhiệm kỳ qua.

* Tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào 2016, đại diện Chính phủ hai nước – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, thủ tục nhằm giúp Việt Nam-Lào không chỉ là địa điểm đầu tư song phương mà còn là điểm đến của các doanh nghiệp trên thế giới.

Lắng nghe và ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp hai bên, hai Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương của hai nước kiện toàn lại cơ chế, thủ tục pháp lý, tháo gỡ các điểm vướng mắc mà doanh nghiệp đã nêu; nhất trí đẩy nhanh kết nối giao thông giữa hai nước, nhân rộng mô hình “một cửa, một lần dừng” tại các cửa khẩu… nhằm đáp ứng yêu cầu giao thương kinh tế giữa hai quốc gia.

* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát tình hình hạn hán tại hai huyện Chư Pưh, Chư Sê, tỉnh Gia Lai và làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên để bàn giải pháp khắc phục hậu quả do nắng hạn khắc nghiệt gây ra với phương châm không để dân khát, dân đói và bị dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, mỗi tỉnh trong khu vực phải ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề để ứng phó tình hình hạn hán với các biện pháp cụ thể đối với địa phương, qua đó hướng dẫn nhân dân nắm được tình hình. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng cộng đồng đối phó với tình hình hạn hán khốc liệt hiện nay. Về lâu dài, các bộ, ngành, địa phương phải điều tra, quy hoạch việc sử dụng nguồn nước ở Tây Nguyên.

* Dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (Trung Quốc), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá châu Á có nhiều cơ hội để tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, nhưng cũng phải xử lý nhiều thách thức; nhấn mạnh châu Á cần lấy đổi mới và sáng tạo làm động lực then chốt để tăng trưởng bền vững, việc tăng cường hợp tác phát triển bền vững, đặc biệt là hợp tác xử lý thách thức biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Lan Thương lần thứ nhất, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh, bên cạnh những cơ hội vươn lên mạnh mẽ, tiểu vùng Mekong phải xử lý nhiều thách thức lớn cả về an ninh và phát triển, đặc biệt là suy thoái môi trường, nguồn nước, biến đổi khí hậu.

* Dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành thể dục thể thao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đẩy mạnh phong trào tập thể dục, rèn luyện thân thể không chỉ góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực mà còn khơi lên tinh thần thượng võ, trung thực, công bằng; hun đúc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trách nhiệm công dân trong mỗi người Việt Nam.

* Phát biểu tại Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ lần thứ 18, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thực hiện các quy định an toàn vệ sinh lao động không chỉ là trách nhiệm mà còn là mong muốn hết sức bình thường, chính đáng của mọi người lao động và người dân

Phó Thủ tướng mong muốn các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ ngày càng phát triển nhưng số vụ việc tai nạn lao động, cháy nổ không tăng như thời gian vừa qua.

Nguyên Linh (tổng hợp)/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *