(kontumtv.vn) – Sáng 15/12, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 1521 của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương. Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì Hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc.

Tại Hội nghị, đại biểu được nghe 14 báo cám tham luận về các chuyên đề liên quan đến giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo nội dung Kết luận số 80 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1521, ngày 6/10/2020 củaThủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80; các mô hình, cách thức tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, thực trạng và định hướng triển khai trong thời gian tới; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng mô hình “Sách nói pháp luật” từ thực tiễn; mô hình “Nhà Ga Xanh” trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh tại các trường phổ thông; hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tổ chức gameshow về pháp luật trên sóng truyền hình.

Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua, lãnh đạo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương nhận định đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được tăng cường, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm và chậm đổi mới.

Khắc phục hạn chế này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị, thời gian tới, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; huy động sự tham gia của chuyên gia pháp luật, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung ưu tiên nguồn lực phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội trên cơ sở lựa chọn những nội dung pháp luật phù hợp với nhu cầu của đối tượng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy mạng xã hội, mạng viễn thông trong triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật…

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *