(kontumtv.vn) – Sáng 27/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. Dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10/2020. Đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 32 tỉnh, thành phố, với tổng số hơn 60.000 con gia súc mắc bệnh và trên 9.500 con gia súc chết và bị tiêu hủy. Từ tháng 12/2020 đến nay, các địa phương đã triển khai tiêm phòng trên 2 triệu liều vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò. Dự kiến trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu trên 3 triệu liều, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Nhờ việc tiêm phòng vắc xin nên tình hình dịch bệnh tại các địa phương đã được kiểm soát, số ổ dịch đã giảm rõ rệt từ 30 – 60%, không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh.

Tại tỉnh Kon Tum, đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 03 huyện là Kon Plông, Sa Thầy, Ia H’Drai, với tổng số gia súc mắc bệnh là 05 con bò của 04 hộ chăn nuôi. Để xử lý dứt điểm ổ dịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiêu hủy toàn bộ số bò mắc bệnh theo quy định; đồng thời, thực hiện nghiêm công tác vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi; phun hóa chất tiêu diệt các loại côn trùng là véc tơ truyền bệnh tại khu vực chăn nuôi; bố trí kinh phí để mua vắc xin tiêm phòng cho tổng đàn trâu, bò trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trong thời gian qua; đồng thời yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động khắc phục những khó khăn, tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm; tổ chức giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu, bò.

                                                                               Đăng Huy – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *