Sau hơn 10 thi hành, Luật Xây dựng đã bộc lộ những bất cập cần được sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tế hiện nay, trong đó, đáng chú ý là tình trạng lãng phí trong quyết định đầu tư xây dựng, bớt xén công trình, vấn đề quy hoạch xây dựng.
Tại phiên thảo luận tổ trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để khắc phục tình trạng xây dựng tự phát, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt. Song các đại biểu cũng chỉ ra những điểm còn thiếu trong quy hoạch xây dựng nhất là quy hoạch nông thôn và đô thị liên quan đến khả năng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định về nội dung, giải pháp và trách nhiệm trong phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong tình hình thiên tai như hiện nay. Các đại biểu cũng đồng tình cần thiết phải sửa luật, vì ô nhiễm môi trường hiện nay tác động mạnh đến đời sống dân cư.
Nhiều đại biểu thừa nhận việc đánh giá một số quy định trong pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa phù hợp, chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế, còn chồng chéo với các quy định của pháp luật khác.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới nảy sinh như tác động của biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái, do đó đòi hỏi pháp luật về bảo vệ môi trường phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá. Bên cạnh đó, một số quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng về bảo vệ môi trường mới được ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 24, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đòi hỏi pháp luật bảo vệ môi trường phải sớm cập nhật, bổ sung.
Theo : Lê Sơn/Chinhphu.vn