(kontumtv.vn) – Những năm qua, số hợp tác xã và các tổ hợp tác được thành lập trên địa bàn tỉnh Kon Tum không ngừng tăng lên. Hiệu quả hoạt động của các đơn vị này ngày càng được khẳng định. Minh chứng cụ thể là thu nhập bình quân của các thành viên hợp tác xã và tổ hợp tác tăng qua từng năm; số lượng người lao động có việc làm ổn định trong hợp tác xã, tổ hợp tác ngày càng nhiều. Điều này khẳng định, kinh tế tập thể đang từng bước tạo ra những giá trị bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế – xã hội tại địa phương phát triển.

Hợp tác xã Đoàn Kết thành lập năm 2007 tại xã Mo Rai, huyện Sa Thầy. Thời gian gian đầu, hợp tác xã chủ yếu trồng cao su, thu mua và chế biến mủ. Đến năm 2014, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn đặc biệt phù hợp trồng cây ăn trái nên Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Đoàn Kết đã thống nhất thay đổi hướng đi. Trong hơn 20 ha đất sản xuất của đơn vị, các thành viên chuyển đổi trồng khoảng 10 ha trồng bưởi, cam, quýt, ổi, na Thái, gần 2 ha dưa lưới và hơn 6 ha sầu riêng. Ông Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Đoàn Kết cho biết: “Năm 2014, HTX cùng các thành viên bàn bạc, đi đến thống nhất trồng một diện tích rất lớn, đại trà cũng để làm mô hình điểm cho xã Mo Rai để bà con đồng bào học tập vì đất ở Mo Rai từ ngày xưa đến giờ bà con địa phương chỉ chuyên trồng cây mỳ, hiệu quả không cao mà thu nhập thì rất thấp nên tôi muốn mạnh dạn cùng bàn bạc với Hội đồng Quản trị và các thành viên đi đến trồng cây ăn trái phục vụ cho đời sống nhân dân trong xã, đầu tiên là ở xã Mo Rai rồi ra đến huyện, tỉnh rồi tỉnh bạn lân cận”.

Vườn cây ăn quả của HTX Đoàn Kết
Vườn cây ăn quả của HTX Đoàn Kết

Đảm bảo năng suất và chất lượng cây ăn trái, Hợp tác xã Đoàn Kết đã đầu tư hệ thống phun tưới tự động công nghệ cao; tuân thủ tuyệt đối kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây theo phương pháp hữu cơ. Ông Nguyễn Văn Xuân nói: “Đây là một mô hình trồng cây sạch, không dùng hóa chất, dùng toàn bộ phân hữu cơ, từ ủ phân cá, phân bò đến nhập khẩu phân gà các loại, đặc biệt phân hữu cơ, không dùng gì hóa chất, thuốc cỏ không có dùng một tý nào. HTX đi theo hướng xanh, sạch và bền vững”.

Hiện tại, vườn cây bưởi, cam, quýt đang được Hợp tác xã thu quả bói. Tùy mỗi giống cây mà sản lượng quả cho từ 5 – 6 tạ, đối với bưởi khoảng 8 tạ trên một cây. Tính riêng năm 2018, lợi nhuận từ thu quả bói trên diện tích bưởi của Hợp tác xã hơn 100 triệu đồng. Đáng chú ý, tất cả các sản phẩm cây ăn trái của Hợp tác xã Đoàn Kết đều đã được đăng ký tem truy xuất nguồn gốc hàng nông sản. Đây là hướng đi đúng đắn để đơn vị tạo ra sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, từ đó, hình thành nên những giá trị bền vững, thúc đẩy hoạt động sản xuất ngày càng đi lên. Anh Nguyễn Xuân Trường, thành viên Hợp tác xã Đoàn Kết chia sẻ: “Sự phát triển của HTX là sự khởi đầu của kinh tế nông thôn mới. Khi mô hình của HTX Đoàn Kết phát triển thì kéo theo đó là người dân tộc thiểu số sẽ học hỏi được từ mô hình đó và HTX sẽ thuê người dân tại địa phương làm việc cho HTX. Và khi người ta làm việc thì người ta sẽ học được nghề mới và người ta sẽ phát triển hơn nữa. Điều đó thì giúp bà con tăng thêm thu nhập, giảm nghèo một cách bền vững”.

Thực tế đã chứng minh, các hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động hiệu quả không chỉ tăng thu nhập cho thành viên mà còn tạo việc làm ổn định cho người lao động, nhất là lao động địa phương. Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum, thu nhập bình quân của người lao động tại các hợp tác xã trên địa bàn đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Thu nhập ổn định giúp bà con an tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Thành công của các hợp tác xã đã thu hút đông đảo bà con đăng ký tham gia với mong muốn tăng thu nhập, có việc làm ổn định để giảm nghèo bền vững. Ông Thạch Ngọc Kề, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ và Thương mại Nghĩa Tân, huyện Sa Thầy nói: “HTX thành lập có 8 thành viên chính thức theo Luật HTX, nhưng sau dân ở đây xin vô khoảng 30 thành viên. Mô hình chính là nuôi heo, nuôi trồng thủy sản. Nông nghiệp thì có mô hình mua mủ cao su trên địa bàn thì bây giờ có phần đem lại tiền cho các thành viên, cũng có thu nhập cho họ rồi”.

“Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ HTX như là chương trình hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp; đưa cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học về công tác có thời hạn tại các HTX nông nghiệp; Liên minh HTX tỉnh cũng thường xuyên tư vấn, hỗ trợ các HTX thường xuyên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Qũy Hỗ trợ phát triển HTX và nguồn vốn giải quyết việc làm do Liên minh HTX Việt Nam giao Liên minh HTX tỉnh quản lý với hình thức cho các HTX vay luân phiên”. Ông Nguyễn Lâm Cảnh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kon Tum cho biết.

Tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng sự phát triển của các hợp tác xã, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tăng cường hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã; tạo điều kiện liên kết với các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhất là nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định, bền vững cho bà con.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *