(kontumtv.vn) – Phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Đăk Tô (Kon Tum) đang ra sức thi đua phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đăk Tô là khu vực quân sự quan trọng của ta và địch ở Bắc Tây Nguyên. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, quân và dân Đăk Tô đã không ngại hy sinh, gian khổ, làm nên chiến thắng lịch sử Đăk Tô – Tân Cảnh vào năm 1972. Qua đó tạo bàn đạp để giải phóng Tây Nguyên, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Về thăm chiến trường xưa
Về thăm chiến trường xưa

Ngày nay, Đăk Tô đã có những bước chuyển  biến toàn diện. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện đã phát triển diện tích cây gieo trồng cây hàng năm trên 8.000 ha, cây công nghiệp lâu năm trên 9.530 ha. Các loại cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, bời lời, hồ tiêu tiếp tục được người dân nâng cao diện tích. Toàn huyện có 6.550 con trâu bò, 14.700 con heo và tổng đàn gia cầm trên 85.000 con. Thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước và sự cố gắng, vươn lên trong phát triển kinh tế của người dân, đời sống của người dân Đăk Tô không ngừng được nâng lên. Ông Cao Trung Tin, Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô nói: “Đối với lĩnh vực sản xuất, huyện lồng ghép các chương trình của Nhà nước về hỗ trợ sản xuất cùng với nguồn của huyện để hỗ trợ về cây, con giống, phân bón và các công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt là công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng các mô hình trong sản xuất”.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, huyện Đăk Tô đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2016, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt trên 676 tỷ đồng. Các nhà máy chế biến tinh bột sắn, sơ chế mủ cao su, sản xuất cồn ethanol hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụm Công nghiệp và Dịch vụ 24/4 của huyện đã thu hút các doanh nghiệp vào phát triển sản xuất.

Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới đã được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của chính quyền và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 2 xã là Diên Bình và Tân Cảnh về đích xây dựng nông thôn mới, xã Kon Đào đạt 11 tiêu chí, các xã còn lại đều đạt từ 5- 9 tiêu chí. Ông A Djon (thôn Đăk Lung, Kon Đào) nói: “Trước đây bà con chưa có con đường bê tông thì rất khó khăn đi lại, có lúc trơn, dính bùn hết, đi khó lắm, nhất là mùa mưa, nó vất vả. Giờ có con đường này bà con đi rất khỏe, nhờ Nhà nước hỗ trợ, dân ra sức để làm. Dân đóng góp công”.

“Về xây dựng nông thôn mới, hiện nay xã còn 8 tiêu chí chưa được. Trong năm 2017, 2018 sẽ phấn đấu, thứ nhất là về một số tiêu chí về nhà ở, xã phấn đấu để bà con làm ăn phát triển, có nguồn thu nhập, tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ để làm sao khắc phục tiêu chí nhà ở cho bà con. Thứ hai là tiêu chí hộ nghèo, thực hiện theo Quyết định 59, xã hiện có 219 hộ nghèo, chiếm 24%, kế hoạch là đến cuối 2018, tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 7%, cố gắng đạt được 2 tiêu chí này. Còn 1 số tiêu chí khác thì xã đã có kế hoạch phấn đấu trong năm 2017 và đến năm 2018 cố gắng hoàn thành 19/19 tiêu chí”. Ông Dương Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Đào cho biết.

Trong năm 2017, huyện Đăk Tô tập trung các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; nâng cao hiệu quả các nhà máy thủy điện trên địa bàn, thu hút nguồn lực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển du lịch lịch sử gắn với du lịch sinh thái. Ngoài ra, huyện tập trung phát triển đồng bộ về hệ thống giao thông, hạ tầng trên địa bàn, tạo đầu mối để phát triển hành lang kinh tế Đông Tây, gắn Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y vớí các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Quảng Nam. Ông Cao Trung Tin cho biết: “Từ thế mạnh về nông nghiệp, huyện đã xác định một số ngành, lĩnh vực kinh tế có giá trị cao để tập trung trong chỉ đạo phát triển, đặc biệt là đối với 5 nhóm ngành trong nông nghiệp, như trồng cây lâu năm, trồng và chăm sóc rừng để sau này phục vụ cho nhà máy giấy và bột giấy, công nghiệp chế biến hàng nông lâm sản, sản xuất sản phẩm từ khoáng sản, phát triển chăn nuôi bán công nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao”.

Trải qua 45 năm sau chiến thắng lịch sử Đăk Tô – Tân Cảnh, huyện Đăk Tô đã và đang có những bước phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Kon Tum.

Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *