(kontumtv.vn) – Các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn huyện Ia H’Drai (Kon Tum) đang đứng trước tình trạng thiếu công nhân khai thác mủ. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn khi các năm tiếp theo, hàng ngàn ha cao su tiếp tục được đưa vào khai thác chính thức trên địa bàn.

Chi nhánh 716 – Binh đoàn 15 đang tổ chức lớp học cạo mủ cao su dành riêng cho các công nhân vừa được tuyển dụng về làm việc. Sau 30 ngày đào tạo, các công nhân  này sẽ chính thức khai thác mủ cho đơn vị. Dù vậy, với 1.500 ha cao su đang thời kỳ thu hoạch, số lao động mới vừa được bổ sung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khai thác mủ của đơn vị. Năm 2019, sẽ có thêm 1.600 ha trên tổng diện tích hơn 3.100 ha cao su được đưa vào khai thác chính thức, khiến đơn vị này tiếp tục thiếu khoảng 500 lao động. Đại úy Hoàng Văn Quyết, Phó Giám đốc Chi nhánh 716 – Binh đoàn 15 cho biết: “Năm 2019 sẽ đưa diện tích cao su kinh doanh vào khoảng 1.600 ha. Trong năm 2019, nhu cầu lao động sẽ thiếu khoảng 500 lao động. Phương hướng tuyển lao động trong năm 2019, đối với Chi nhánh 716 thì thứ nhất vẫn ưu tiên cho việc tuyển dụng lao động tại chỗ của địa phương, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số. Thứ hai là nguồn lao động đơn vị đã thường xuyên tuyển, đặc biệt là các vùng đặc biệt khó khăn của vùng phía Bắc”.

Vườn cao su Chi nhánh 716 - Binh đoàn 15
Vườn cao su Chi nhánh 716 – Binh đoàn 15

Hiện nay, huyện Ia H’Drai có hơn 24.000 ha cao su. Việc đưa thêm hàng ngàn ha vào khai thác chính thức trong năm 2018 khiến nhiều doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn đứng trước tình trạng thiếu công nhân khai thác mủ. Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, huyện Ia H’Drai thiếu khoảng 2.500 lao động cạo mủ cao su. Ông Trương Ly, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray nói: “Vấn đề thiếu lao động không riêng gì đơn vị mà nhìn chung là toàn ngành cao su, bởi vì lao động bây giờ người ta có nhiều hướng để lựa chọn việc làm, đặc biệt là các khu công nghiệp rất thu hút nguồn lao động vào đó. Còn với lao động cao su, bản chất là làm nông, cho nên cạnh tranh ở các khu công nghiệp cũng là một vấn đề lớn”.

Dù đã chuẩn bị các phương án tuyển dụng lao động ngay từ đầu năm, nhưng những doanh nghiệp trồng cao su vẫn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân bởi công việc khai thác mủ tương đối vất vả, tính chất mùa vụ không liên tục khiến công nhân dễ sinh tâm lý nản việc. Ngoài ra, Ia H’Drai là huyện biên giới, vùng sâu, điều kiện kinh tế, xã hội chưa phát triển, nên việc thu hút lao động ở các tỉnh khác đến làm việc còn hạn chế. Ông Trương Ly nói: “Địa bàn vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, mọi cơ sở vật chất không như các đơn vị khác, nên ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lý ban đầu của người lao động. Thứ hai, hiện tại số lượng lao động tại chỗ không có, buộc phải tuyển ở các địa phương khác. Khó khăn nữa là cơ sở vật chất ở đây về nhà ở, nước uống, sinh hoạt có phần hạn chế và nhiều lý do khác nữa nên ảnh hưởng đến chất lượng cũng như số lượng lao động tuyển”.

Thiếu công nhân khai thác mủ ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng mủ khai thác. Giải pháp trước mắt là tăng số cây cạo trên mỗi công nhân. Đại úy Hoàng Văn Quyết cho biết: “ Thời gian tới Binh đoàn có giải pháp tăng cây cạo đối với người lao động. Khi tăng cây cạo, người lao động sẽ cạo được nhiều sản phẩm, từ đó thu nhập họ sẽ tăng cao hơn, mặc dù cường độ lao động của họ tăng lên. Ngoài ra, các giải pháp về kỹ thuật như cạo D4, dùng thuốc kích thích thì sẽ được áp dụng trong thời gian tới”.

Với người lao động, mong muốn chính đáng là công ty tiếp tục tạo thuận lợi, đảm bảo thu nhập ổn định để họ yên tâm làm việc. Anh Nguyễn Văn Kiên, Công nhân cao su, Chi nhánh 716 – Binh đoàn 15 nói: “Trong năm 2018, bản thân tôi cũng như toàn thể các anh em công nhân trong đơn vị mong muốn công ty luôn tạo điều kiện cho anh em công nhân chúng tôi tiếp tục làm việc. Hy vọng trong những năm tới giá mủ cao su được tốt hơn, đời sống công nhân được cải thiện hơn nữa”.

Giải quyết tình trạng thiếu công nhân khai thác mủ cao su trên địa bàn huyện Ia H’Drai, về lâu dài, các doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai phương án tuyển dụng lao động tại chỗ, tăng cường thu hút lao động ở địa phương khác đến làm việc bằng các chính sách đãi ngộ hợp lý như chú trọng xây dựng nhà ở, tạo điều kiện để công nhân tăng gia sản xuất, có thêm thu nhập; qua đó gắn bó lâu dài với công ty.

Thu Trang – Ngọc Chí 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *