(kontumtv.vn) – Từng là một trong những địa phương nóng về tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, thế nhưng sau gần 05 năm triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”, huyện Kon Rẫy đã cơ bản thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Đề án, giúp người dân xóa bỏ dần những quan niệm lạc hậu, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai.

Đầu năm 2020, nhờ cán bộ tuyên truyền, vận động kịp thời nên cặp đôi A Phất, Y Tiên ở thôn 5, xã Đăk Kôi quyết định tạm dừng lễ cưới, dù trước đó cả 2 đã làm đám hỏi theo phong tục. A Phất tâm sự:“Em tên là Phất, năm nay 20 tuổi, còn bạn gái em là Y Tiên năm nay 17 tuổi. Bọn em gặp nhau cũng được 1 năm rồi, nhưng mà chưa đủ tuổi để kết hôn. Nhờ vào chính quyền địa phương tuyên truyền cho bọn em nam thì phải 20, gái thì phải 18 tuổi.” Em Y Tiên cũng đồng tình:“Em ủng hộ bạn trai đợi em đủ tuổi mới cưới, cưới bây giờ thì vi phạm pháp luật.”

          Từng là nạn nhân của tảo hôn do tập tục đính ước ngày xưa, bà Y Hinh, mẹ của em Y Tiên thấu hiểu những khó khăn, vất vả khi phải lấy chồng sớm. Do đó, bà cũng đồng tình với cán bộ xã không cho con gái kết hôn khi chưa đủ tuổi. Bà Y Hinh chia sẻ:“Bây giờ chị biết rồi, hồi xưa chị lấy chồng sớm, chưa đủ tuổi, chị nuôi con vất vả, khổ, đau, sốt bị gì. Giờ con chị chờ đủ tuổi đã mới lấy chồng, đủ tuổi bên này bên chồng kia. Sợ nó đẻ con khổ giống mẹ ngày xưa.”

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn, hằng năm, UBND xã Đăk Kôi đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền những hệ lụy của tảo hôn đến tất cả người dân. Đặc biệt, bám nắm những gia đình có con trong tuổi vị thành niên, các em học sinh THCS, THPT…đây là những đối tượng có nguy cơ tảo hôn nếu không có sự quan tâm, định hướng kịp thời. Ông A Câu, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy cho biết:“ Qua từng năm trên địa bàn xã cũng đã giảm rất đáng kể, tính đến hiện nay thì có 01 trường hợp chưa đủ tuổi, còn thiếu 07 tháng. Thì trong quá trình chúng tôi phát hiện, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các bộ phận liên quan, các ban ngành là xuống trực tiếp vận động hộ gia đình là hạn chế và không cho hộ gia đình tổ chức đám cưới, đám hỏi.”

Để triển khai Đề án đạt hiệu quả, Huyện ủy Kon Rẫy đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề, đưa nội dung tảo hôn và hôn nhân cận huyết vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện hàng năm. Đồng thời thành lập Tổ chỉ đạo, các Câu lạc bộ để cùng phối hợp, lồng ghép tuyên truyền về vấn đề này. Do đó, 06 tháng đầu năm 2020 không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra. Bà Đinh Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết thêm: “Hàng năm thì chúng tôi cũng bố trí là khoảng 20 triệu cho công tác tuyên truyền này cho các xã, thị trấn và cũng ưu tiên cho cán bộ làm nhiệm vụ. Thì đối với tuyên truyền tại cơ sở thì thành lập các CLB, các CLB sinh con thứ 3, hoặc là CLB chống tình trạng bạo hành gia đình hoặc là CLB đối với phụ nữ tham gia, phụ nữ cùng cực để tham gia thoát nghèo. Thì chúng tôi cũng áp dụng phương thức là 3 trong 1, có nghĩa là sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng với cán bộ tuyên truyền tại cơ sở về kinh phí, 1 cán bộ anh có thể làm rất là nhiều nội dung, trong đó bao gồm cả công tác CTV y tế thôn bản, hoặc là CTV về công tác dân số.”

Mặc dù tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn huyện Kon Rẫy đang có xu hướng giảm qua từng năm, nhưng vẫn cần sự quan tâm, quản lý chặt chẽ của xã hội, gia đình và nhà trường đối với các em trong độ tuổi vị thành niên. Bởi sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay đang ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức của các em, khi lượng thông tin tiếp nhận không có sự chắt lọc, rất dễ xảy ra những trường hợp mang thai ngoài ý muốn, dẫn đến tảo hôn.

                                                                                      

 Hơ Jan – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *