(kontumtv.vn) – Huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đồng thời sản xuất nông nghiệp bền vững. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, huyện đã và đang nỗ lực nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp tại địa phương gắn liền với Đề án xây dựng và phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực.

Vườn cà phê 2,6 ha của ông Bùi Công Duyệt (thôn Ngọc Thư, xã Đăk Xú) luôn cho năng suất và chất lượng cao, đạt trên 6 tấn nhân/ha. Mỗi năm, cây cà phê mang lại nguồn thu khoảng 300 triệu đồng cho gia đình ông. Ông Duyệt chia sẻ: “Cà phê nhà tôi tổng số hiện nay trên 2.000 cây, năng suất đều đều, do khâu chăm bón và kỹ thuật làm luôn áp dụng khoa học kỹ thuật tiếp thu qua các buổi tập huấn của địa phương. Gia đình tôi cũng áp dụng vào chăm sóc thì hàng năm đều đều là 6 đến 7 tấn nhân 1 ha”.

Vườn cà phê của ông Bùi Công Duyệt
Vườn cà phê của ông Bùi Công Duyệt

Ông Ong Thế Hồng (thôn Ngọc Yên, xã Đăk Xú) mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà màn để trồng rau xanh với chi phí gần 200 triệu đồng. Thay đổi hoàn toàn thói quen trồng rau ngoài trời, ông được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn trồng đa dạng các loại rau, củ, quả theo mùa. Nhờ vậy, vườn rau của gia đình ông đã cho năng suất và chất lượng cao. Với diện tích 1.000 m2 rau trồng trong nhà màn, bình quân 1 lứa 25 ngày cho thu hoạch 2 tấn rau, lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng. Ông Hồng cho biết: “Về sản lượng tăng từ 15 – 20% so với trước đây, về an toàn thì tôi khẳng định là an toàn hơn trước rất nhiều so với  trước.1 lứa rau lúc trước tôi phải xịt tới 3 lần thì bây giờ tôi chỉ phải xịt 1 lần thôi, lượng thuốc giảm 2/3. Tương lai gia đình cũng hướng mở rộng thêm 1 vài nhà màn này nữa, dự định năm tới làm thêm từ 1 đến 2 sào nữa”.

Không riêng gì trong trồng trọt mà đối với chăn nuôi cũng có những chuyển biến tích cực. Phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại tăng. Điển hình như mô hình nuôi heo trang trại khép kín của ông Nguyễn Văn Thành (thôn Ngọc Thư, xã Đăk Xú). Với quy mô 1.000 con khép kín theo chuẩn VietGap, đàn heo của ông Thành đem lại nguồn thu đều đặn mỗi năm trên 500 triệu đồng cho gia đình. Ông Thành chia sẻ: “Cây cà phê 1 năm mới thu, con cá 6 tháng mới thu nhưng con heo là mũi nhọn, có 3 tháng thôi. Đây là mũi nhọn nên tôi đầu tư trước, heo thịt nuôi 3 tháng, heo mẹ cũng 3,4 tháng thôi là mình có thể xoay vòng vốn cho việc khác rồi”.

Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi đã triển khai nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, chất lượng và bền vững. Trong đó tập trung các loại cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, sắn… Đồng thời, ngành nông nghiệp tích cực thí điểm và phát triển giống cây, con có năng suất cao phù hợp với điều kiện tự nhiên. Đặc biệt chú trọng phổ biến và vận động nông dân mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, nhất là áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Nhờ vậy, giá trị nông – lâm – thủy sản trên địa bàn huyện Ngọc Hồi không ngừng được nâng lên. Ông Nguyễn Cường, Phó Phòng NN& PTNT huyện Ngọc Hồi cho biết: “Thời gian tới, UBND huyện đã ban hành Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2015 – 2025, trong đó lựa chọn những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi để đầu tư thích hợp. Chẳng hạn cây lương thực tập trung thâm canh, cây cà phê đầu tư sản xuất theo công nghệ cao, chống thất thoát nước cũng như phân bồ trồng đồng đều, theo quy hoạch. Về vật nuôi khuyến khích nuôi theo hướng hợp tác xã, nông hộ trang trại vừa và nhỏ”.

Tại Ngọc Hồi, những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như của ông Duyệt, ông Hồng và ông Thành rất nhiều. Đây là những điển hình trong cải tiến phương thức sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó cải thiện thu nhập, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương. 

 Hà My – Đức Thắng

                                                                                             

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *