(kontumtv.vn) – Cao điểm mùa khô Tây Nguyên, thời tiết nắng nóng kéo dài dễ gây cháy rừng nên thời gian này, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) tích cực triển khai các giải pháp phòng cháy chữa cháy đối với diện tích rừng và đất rừng gần 40.000 ha.

Quản lý gần 1.150 ha rừng trồng, mùa khô năm 2018, Ban Trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy. Trên hầu hết diện tích rừng trồng thuộc tiểu khu 177, 178, 179, 180, 181… đơn vị thường xuyên phát dọn thực bì dưới tán rừng, tích cực tổ chức tuần tra đối với các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy. Ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng Ban Trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi

nói: “Trước tiên là thi công các hạng mục phòng cháy, chữa cháy rừng, làm đường băng phòng cháy chữa cháy rừng, đốt xử lý thực bì dưới tán rừng thông. Bước vào tháng trọng điểm này, chúng tôi đã tổ chức lực lượng đội phòng cháy chữa cháy rừng của Ban trực 24/24 tại hiện trường, đặc biệt là phân làm 4 tổ trực tại 4 chòi canh lửa, các vị trí trọng điểm có khả năng xảy ra cháy rừng”.

Tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng
Tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng

Hiện chưa có vụ cháy nào xảy ra trên lâm phần quản lý của Ban Trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi. Tuy nhiên, công tác phòng chống cháy rừng của đơn vị trong mùa khô năm nay gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thức cho biết: “Hiện nay, rừng trồng nguyên liệu giấy xung quanh đa số là tiếp giáp với nương rẫy của bà con canh tác gần rừng. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết quản lý phòng cháy, chữa cháy rừng có một số hộ dân người ta không chấp hành. Việc lấn chiếm đất rừng nguyên liệu giấy hiện nay vẫn xảy ra phức tạp và vẫn đang nhờ chính quyền địa phương can thiệp và xử lý”.

Hiện nay, 40.000 ha rừng và đất rừng trên địa bàn huyện Ngọc Hồi thuộc quản lý của 4 đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đăk Ang, Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Ban Trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi. Trong thời gian cao điểm mùa khô, công tác phòng chống cháy rừng tích cực được triển khai nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Dương Đắc Thế, Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Ngọc Hồi cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là đặc thù của Tây Nguyên, 3-4 tháng khô hạn, thời tiết quá nắng nóng. Hai nữa, diện tích rừng dễ cháy, rừng tre nứa rất nhiều. Thứ ba là công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa được đồng bộ, nhịp nhàng. Khi xảy ra cháy, địa bàn ở xa, các đơn vị, lực lượng tại chỗ rất ít nên công tác phối hợp chữa cháy rất  khó khăn. Thứ tư là trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy rất thô sơ, chủ yếu là dụng cụ thủ công thôi, máy móc không tiếp cận được”.

Đến hết tháng 3/2018, huyện Ngọc Hồi đã xảy ra 02 vụ cháy rừng trồng trên lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi quản lý. Diện tích rừng bị cháy hơn 3,2 ha, mức độ thiệt hại khoảng 20%. Ông Vương Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi nói: “Đối với những hộ phá rừng làm nương rẫy trái phép, huyện đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ cố tình vi phạm trên địa bàn xã Đăk Xú  và xã Bờ Y. Còn đối với các đơn vị chủ rừng, đơn vị nào để xảy ra cháy rừng thì đơn vị trước tiên phải chịu trách nhiệm việc gây thiệt hại và tự khắc phục đối với hậu quả đơn vị mình ở trên lâm phần, yêu cầu chủ rừng khắc phục hậu quả đó, trồng lại rừng”.

Từ nay đến hết mùa khô năm 2018, UBND huyện Ngọc Hồi tăng cường chỉ đạo các cơ quan thường trực tổ công tác cấp huyện tiếp tục khoanh vùng những địa bàn có rừng dễ cháy như rừng trồng, rừng tái sinh, rừng hỗn giao tre nứa; tổ chức phân công thành viên trực 24/24 giờ; tập trung tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp phát rừng làm nương rẫy.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *