(kontumtv.vn) – Trước sự xâm lấn ngày càng nhiều của cây mai dương trên đất sản xuất nông nghiệp, huyện Sa Thầy (Kon Tum) đang tích cực triển khai các giải pháp, phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn các xã, thị trấn cơ bản kiểm soát  sự lây lan và diệt trừ loại cây này.

Hơn 5 năm trước, khu vực bán ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly thuộc xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy có khoảng 20 ha đất bị cây mai dương bao phủ dày đặc. Người dân thường ví nơi đây là rừng mai dương cổ thụ, vì có những cây cao từ 4 đến 5 mét.

Nhận thấy vùng đất màu mỡ nhưng dày đặc cây mai dương, ông Nguyễn Văn Hai, thôn Ya De, xã Ya Xiêr cùng nhiều hộ dân đã đi đầu phá bỏ loài cây này để trồng mỳ. Vì mật độ xâm lấn của cây mai dương quá lớn, nên năm đầu tiên gia đình ông mất 6 tháng để chặt bỏ loại cây này. Ông và các hộ dân dùng rất nhiều cách để diệt trừ cây mai dương, nhưng theo ông chỉ có một cách hiệu quả nhất đó là dùng phương pháp thủ công, chặt cây, đào gốc rễ đem đốt mới hết được. Về phương pháp dùng thuốc trừ cỏ chỉ làm cây chết héo thân trên, còn gốc vẫn sống và tiếp tục nảy mầm. Hơn nữa nếu dùng quá nhiều thuốc trừ cỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và môi trường xung quanh. Ông Nguyễn Văn Hai nói: “Kinh nghiệm của tôi là thủ công thôi, chỉ có chặt, 3 lần chặt, cứ lên mầm là chặt, đến lần thứ tư lên mầm non nhỏ dùng thuốc lưu dẫn xịt thấy nó giảm đi 80% chứ không chết hết được. Sau đấy tiếp tục nhổ, cuốc gốc moi lên”.

HUYEN SA THAY TANG CUONG GIAI PHAP DIET TRU CAY MAI DUONG

Kinh nghiệm diệt trừ cây mai dương được các hộ dân thực hiện hiệu quả, chờ nước lòng hồ thủy điện Ya Ly rút khoảng 10 đến 15 ngày bà con tiến hành diệt trừ bằng phương pháp thủ công. Đối với vùng cây mai dương phát triển mật độ dày, cây cao, đường kính lớn thì dùng rựa chặt cách gốc khoảng 30 cm. Sau đó tiếp tục dùng cuốc đào gốc, gom tất cả lại và đem đốt. Những cây non thì phun thuốc trừ cỏ, tiếp đến triển khai gieo trồng loại cây khác để hạn chế sự phát triển của cây mai dương. Các năm tiếp theo, nước rút đến đâu tiến hành sản xuất đến đấy, kết hợp với tổ chức diệt trừ cây mai dương mới mọc, thu gom đốt bỏ. Ông Nguyễn Văn Hận, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ly cho biết: “Trong 3,4 năm trở lại đây về cơ bản cây mai dương không còn xâm lấn trên diện tích đất canh tác. Một phần cây mai dương tồn tại đến bây giờ còn trên khu vực bờ lô, bờ thửa, những khe suối mà người dân không canh tác. Trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, tăng cường diệt trừ cây mai dương”.

Để loại trừ cây mai dương, nhiều năm qua huyện Sa Thầy đã vận động, hướng dẫn người dân tận dụng tối đa diện tích đất vùng bán ngập để đưa vào gieo trồng. Đặc biệt, năm 2017 huyện đã đầu tư xây dựng công trình thủy lợi làng Lung, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất của bà con tại khu vực bán ngập lòng hồ của xã Ya Xiêr và xã Ya Ly. Nhờ vậy, hầu hết diện tích đất bán ngập tại khu vực này được đưa vào canh tác thường xuyên, trong đó hàng chục ha bị cây mai dương xâm lấn được người dân tổ chức phá bỏ để sản xuất.

Cây mai dương có sức sống rất mãnh liệt, chỉ cần một đoạn thân cây, rễ cây hoặc hạt trôi nổi từ các nơi khác về sau 1 thời gian cây mọc lên phát triển mạnh. Nhiều diện tích tại vùng này được canh tác thường xuyên nhưng vẫn xuất hiện loài cây dại này. Do đó, việc diệt trừ cây mai dương phải thực hiện thường xuyên, liên tục, từ khi nước lòng hồ rút, bắt đầu vào vụ sản xuất, xuống giống cây trồng đến khi cây trồng phát triển cho thu hoạch.

Qua đợt phát động diệt trừ cây mai dương trên địa bàn huyện, đến nay nhiều diện tích mai dương đã được người dân phá bỏ. Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy, về cơ bản, diện tích đất sản xuất không còn bị cây mai dương xâm lấn. Hiện nay, cây mai dương tồn tại chủ yếu tại các cao trình người dân không đưa vào sản xuất được. Gỉai pháp trọng tâm được huyện thực hiện đó là tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của cây mai dương, đồng thời tổ chức các đợt ra quân diệt trừ cây mai dương trên phạm vi toàn huyện, đặc biệt là các xã vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly và Plei Krông. Ông Giả Tấn Đạt, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho biết: “Công tác phát động phòng trừ diệt mai dương cần thời gian dài, cần số lượng tập trung lớn, huy động toàn bộ tổng lực diệt trừ cây mai dương. Bên cạnh đó phát động phong trào, khi cây mai dương trong giai đoạn còn non dễ diệt hơn, đặc biệt trong giai đoạn đầu mùa mưa”.

Huyện Sa Thầy đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp tích cực để loại bỏ cây mai dương. Phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn các xã, thị trấn cơ bản kiểm soát được sự lây lan và diệt trừ được cây mai dương đang xâm lấn trên đất sản xuất nông nghiệp.

CTV Trang Nhung – Thanh Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *