(kontumtv.vn) – Là một trong những địa bàn trọng điểm về khô hạn của tỉnh, đến nay việc huy động các nguồn lực cho công tác chống hạn trên cây trồng và nước sinh hoạt của người dân đã được các cấp, ngành cùng nhân dân huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) triển khai tích cực.

Dự báo tình hình khô hạn xảy ra, ngay từ đầu vụ, hyện Sa Thầy đã có phương án và chỉ đạo các xã, thị trấn trong huyện chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hạn. Đến nay, ngoài việc vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Sa Thầy đã chỉ đạo cho Trạm Thủy nông và các xã, thị trấn nạo vét kênh mương thủy lợi, thực hiện tưới luân phiên để tiết kiệm nguồn nước, chủ động các phương án khi tình huống xấu nhất xảy ra. ông Trần Đình Xuân, Phó Trạm trưởng Trạm Thủy nông huyện Sa Thầy nói: “Hiện nay, các địa bàn như Rờ Kơi, Sa Sơn, thị trấn, mực nước rất thấp. Hiện tại Trạm đã tổ chức tưới luân phiên cho các công trình và đã dùng máy bơm. Hiện tại đập C2 Trạm cũng cố gắng duy trì, đến mức cuối cùng mà mực nước hụt nhiều thì phải sử dụng tiếp hồ chứa đập C1 để hỗ trợ”.

Tính đến thời điểm 13/3, huyện Sa Thầy có trên 50 ha lúa nước bị khô hạn và có khả năng khô hạn trong thời gian tới, trong đó có khoảng 20 ha bị mất trắng. Hiện tại để cứu nguy cho đồng ruộng, UBND huyện đã triển khai 4 máy bơm để tưới cho những cánh đồng có khả năng cứu được, đồng thời xuất ngân sách để hỗ trợ các xã và nhân dân triển khai các biện pháp chống hạn. Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: “ Huyện xác định rõ những khu vực nào không thể đảm bảo về nước tưới thì cho chuyển đổi cây trồng khác. Huyện đã xây dựng phương án chuyển đổi gần 150 ha sang trồng cây ngô, cây sắn, các cây ít ảnh hưởng về nước tưới hơn. Tới thời điểm hiện nay, huyện đã xuất 150 triệu và đề nghị xã xuất dự phòng ra khoảng 40 triệu nữa để phục vụ cho công tác nạo vét kênh mương, hỗ trợ dầu để bơm chống hạn’.

Bơm nước chống hạn
Bơm nước chống hạn

Ngoài việc thiếu nước tưới cho cây trồng, hiện nay ở những vùng cao, các giếng đào của người dân đã bắt đầu cạn kiệt dần, gây khó khăn về nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. Tuy được bao bọc bởi lòng hồ Plei Krông, nhưng do nằm trên đồi cao nên nửa tháng nay, giếng nước nhà anh A Hoanh (thôn Đăk Tăng, xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy) đã tụt giảm. Anh Hoanh nói: “Giờ bơm được  30 đến 35 lít nước thôi là hết nước, giếng cạn rồi. Mấy đứa cháu giặt đồ cũng không đủ, mình chạy lên suối để tắm giặt”.

Là khu dân cư mới tái định cư sau này của Thủy điện Plei Krông, Khu dân cư số 2, thôn Đăk Tăng, xã Sa Nghĩa hiện có 56 hộ, với 28 giếng đào do Nhà nước hỗ trợ. Hiện nay đã có 3 giếng khô không còn nước, trên 50 % số giếng còn đủ nước dùng và số còn lại có nước nhưng ít. Do nằm ở vị trí trên cao, nên hầu hết các giếng nước trong thôn quá sâu, việc nạo vét, cẩu giếng là rất khó thực hiện. Ngoài việc san sẻ nguồn nước uống, nhu cầu nước cho sinh hoạt, tắm rửa, giặt giũ của người dân chủ yếu sử dụng tại 3 giọt nước trong thôn, tuy hơi khó khăn nhưng vẫn đảm bảo.

Tại Thôn Bình Nam, xã Sa Bình, một trong những điểm thường xuyên thiếu nước của huyện Sa Thầy, hiện nay trong tổng số 30 giếng nước của thôn đã có 4 giếng khô cạn, 6 giếng gần khô cạn, 20 giếng đủ nước sử dụng. Việc chia sẻ, giúp nhau vượt qua khó khăn trong thời điểm khô hạn được bà con trong thôn phát huy.

Tính đến thời điểm ngày 13/3, trên địa bàn huyện Sa Thầy có trên 1.000 giếng nước bị khô hạn, có khả năng thiếu nước trên tổng số gần 7.200 giếng nước phân tán trong nhân dân. Hiện nay, các phương án đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trong tình hình khô hạn kéo dài đã được huyện tính toán. Ông Nguyễn Ngọc Sâm cho biết: “Huyện cũng như xã đã họp dân để hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Những người giếng còn nước thì giúp cho những hộ khô cạn. Trong thời gian tới, nếu tình hình này phức tạp nữa thì huyện có dự kiến là sẽ mua một số bồn nước để chở tới những nơi không thể khắc phục được, cũng như sử dụng giếng khoan, xây một số bồn tập trung để giúp đỡ cho dân. Về lâu dài huyện sẽ lập  phương án tổng thể, xây dựng một số công trình cấp nước tập trung cho những nơi thiếu nước”.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết hiện nay, UBND huyện Sa Thầy tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn kịp thời theo dõi những biến động của tình hình khô hạn, thiếu nước trên địa bàn, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn theo chỉ đạo của tỉnh, nhằm đảm bảo nước cho sinh hoạt của nhân dân và phục vụ sản xuất.

Quang Mẫn – Duy Phong  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *