(kontumtv.vn) – Xác định cây dược liệu là cây trồng chủ lực để xóa đói, giảm nghèo, thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã tranh thủ nguồn lực của Trung ương và địa phương để hỗ trợ người dân nâng cao diện tích và năng suất các loại cây dược liệu.

Với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng phù hợp, thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã chủ động phát triển các loại cây trồng thế mạnh sẵn có tại địa phương như sâm Ngọc Linh, sâm dây và sơn tra. Đến nay, toàn huyện có gần 240 ha cây sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích do nhân dân trồng gần 14 ha; cây sâm dây gần 32 ha. Cây sơn tra chủ yếu được thu hoạch trong tự nhiên, một số hộ dân đã tiến hành tự ươm giống để trồng trong vườn nhà. Anh A Hùng (thôn Tân Ba, xã Tê Xăng) nói: “Khi có trái, bà con hái và bán để tăng thu nhập. 1 kg trước đây bán được 4.000đ. Một cây to gần 10 năm có khi được gần 1 tấn/cây. Do có giá cả được nên gia đình, bà con trong làng cũng tự ươm cây để phát triển. Hộ nào cũng trồng được gần 100 cây, có hộ nhiều hơn”.

Người dân đầu tư phát triển cây dược liệu
Người dân đầu tư phát triển cây dược liệu

Ngoài ra, huyện Tu Mơ Rông còn nhân rộng diện tích một số cây dược liệu có nguồn gốc từ các địa phương khác như đương quy và sa nhân tím. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Đến nay, diện tích đương quy đã phát triển được 32 ha, kể cả trong liên kết giữa doanh nghiệp với phát triển trong nhân dân, cũng như từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Về sa nhân thì hiện nay đang giao cho UBND các xã xây dựng kế hoạch, dùng vốn hỗ trợ phát triển của năm 2018 đến năm 2020 phát triển cây sa nhân tím, sau khi thí điểm các mô hình, nếu hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thì UBND huyện sẽ có kế hoạch nhân rộng phát triển cây sa nhân tím để bổ sung vào nguồn dược liệu trên địa bàn huyện”.

Thực hiện Nghị quyết số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, huyện Tu Mơ Rông trồng được 500 ha cây sâm Ngọc Linh, 250 ha cây sâm dây, 50 ha cây sơn tra, 15 ha cây đương quy, 6,5 ha cây ngũ vị tử và 7,5 ha cây sa nhân tím. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã và đang tranh thủ các nguồn lực từ Chương trình 135, Chương trình 102, Chương chương trình 30a, Chương trình Khuyến nông và các nguồn đầu tư khác để hỗ trợ về cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu cho người dân trên địa bàn. Ông Vương Văn Mười nói: “Giải pháp trọng tâm của huyện về phát triển cây dược liệu từ giai đoạn 2018- 2020 thì huyện sẽ tập trung nâng cao công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về mục tiêu phát triển cây dược liệu trên địa bàn, thứ hai là nâng cao năng lực quản lý nhà nước về phát triển cây dược liệu, thứ ba là quy hoạch, đầu tư phát triển cây dược liệu trên địa bàn, thứ tư là liên kết với các doanh nghiệp đầu tư tạo ra sản phẩm và thứ năm là phát triển bền vững, lâu dài để cây dược liệu thành cây hàng hóa và có thế mạnh trên địa bàn huyện”.

Ngoài ra, huyện Tu Mơ Rông phấn đấu đến năm 2020 hình thành được ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống sâm Ngọc Linh và 1 cơ sở sản xuất giống cây dược liệu khác; đồng thời thu hút ít nhất 2 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu theo chuỗi liên kết. Với các mục tiêu cụ thể và giải pháp đồng bộ được đưa ra, tin tưởng rằng, cây dược liệu sẽ là động lực chính trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.

Tấn Thành – Thanh Hà

                                                                                

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *