(kontumtv.vn) – Để hạn chế nguy cơ sạt lở, gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của nhân dân, ngay từ đầu mùa mưa, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, chú trọng phương án phòng, chống bão lũ ở từng điểm thôn, xã nhằm ứng phó kịp thời khi tình huống xấu xảy ra.

Qua kiểm tra, rà soát, huyện Tu Mơ Rông có 44 công trình, khu vực giao thông trọng điểm dễ bị sạt lở khi mưa lũ xảy ra. Hơn 20 khu dân cư, 31 công trình thủy lợi, 11 điểm trường, 9 trụ sở cơ quan có nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ quét; gần 20 khu sản xuất có khả năng bị ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng khi mưa, lũ kéo dài. Trước tình hình đó, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn với tổng kinh phí gần 165 triệu đồng.

Đường giao thông bị sạt lở do mưa lũ
Đường giao thông bị sạt lở do mưa lũ

Để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả, nhiều tháng nay, huyện đã tăng cường sửa chữa, xây dựng thêm các rãnh thoát nước, bố trí nhân công, xe ủi, xe múc, san ủi đất tại các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao như đường vào khu tái định cư thôn Long Tro, xã Văn Xuôi; đường giao thông đi thôn Đăk Văn 1, Đăk Văn 3, Đăk Linh; đường Tu Mơ Rông đi Ngọc Yêu. Công tác thi công được tiến hành khẩn trương với sự tham gia của gần 30 nhân công trên mỗi tuyến giao thông. Công nhân làm việc theo ca, chia thành từng đội, mỗi đội 8 – 10 người phụ trách một đơn vị công trình.

Huyện cũng đã chủ động xây dựng phương án ứng phó cụ thể tại từng thôn, xã, nhất là chuẩn bị lực lượng, phương tiện, lương thực cần thiết. Đặc biệt, huyện chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với UBND các xã lập kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói: “Trường hợp mưa bão xảy ra, nguy cơ thứ nhất đường lưu thông bị sạt lở, nên công tác tiếp cận từ huyện vào đến xã sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy UBND huyện đã xác định ứng phó tại chỗ ở xã là quan trọng nhất. Mỗi xã hiện nay UBND huyện đã xây dựng một kho trữ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, áo phao cứu sinh… để nếu có xảy ra ở xã nào thì chủ động triển khai trước để ứng cứu kịp thời”.

“Trên địa bàn xã hiện nay điểm có nguy cơ sạt lở cao là khu tái định cư Long Tro, Ba Khen, gồm 48 hộ của làng Long Tro và 24 hộ của làng Ba Khen. Các hộ này đã được di dời sau cơn bão số 9 về khu tái định cư mới. Hiện nay, khu tái định cư bà con đã về tập trung ở, cơ bản bước đầu đã ổn định. Chính quyền xã, huyện rất quan tâm đến khu tái định cư này. Hàng năm đều có giải pháp, đặc biệt là vào đầu mùa mưa, huyện, xã kết hợp, tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn tài sản, đặc biệt là về con người trong mùa mưa bão”. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông cho  biết.

Từ sau cơn bão lịch sử năm 2009, huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức di dời gần 1.300 hộ dân trong vùng sạt lở đất đến nơi ở mới. Đời sống của bà con tại các khu tái định cư hiện tại đã ổn định. Đối với các hộ dân chưa nhất trí di dời đến khu tái định cư, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhanh chóng di dời trong mùa mưa bão nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bà con. Huyện cũng tăng cường đầu tư, hoàn thiện công trình giao thông, nhà ở, trường học, trạm y tế, điện lưới sinh hoạt tại khu vực tái định cư nhằm tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *