(kontumtv.vn) – Được phát hiện lần đầu vào năm 1973, sâm Ngọc Linh là loại cây có giá trị dược liệu và giá trị kinh tế rất cao. Ngày nay, loại sâm quý này đang dần cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng do bị săn lùng ráo riết. Nỗ lực khôi phục, bảo tồn cây sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ. Trong đó chú trọng tăng cường công tác quản lý diện tích trồng sâm Ngọc Linh hiện có trên địa bàn.

Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông hiện nay là 326 ha. Trong đó, 300 ha là của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum; 13,8 ha là của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, diện tích sâm trong nhân dân chỉ chiếm khoảng 3,8%, tương đương 12,3 ha. Trên thực tế, số liệu này có thể thay đổi do hiện nay, công tác kiểm kê, rà soát diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, bảo tồn, phát triển nguồn sâm. Ông A Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông nói: “Khó khăn của xã là một số diện tích của bà con không tập trung, nằm rải rác, bà con không báo thật, một số hộ còn dấu diếm, khiêm tốn, không nói ra hết số cây mình đang hiện có. Thứ hai là UBND xã không tổng hợp được bởi một số nơi đi không hết được, không tập trung được”.

Vườn sâm Ngọc Linh do nhân dân trồng
Vườn sâm Ngọc Linh do nhân dân trồng

Không thống kê, rà soát được diện tích trồng sâm, tuổi thọ của sâm trồng đồng nghĩa với việc không thể làm tốt công tác quản lý, bảo tồn sâm Ngọc Linh. Cụ thể là làm sao siết chặt được đầu ra, đầu vào cho sâm Ngọc Linh khi chưa thể biết chính xác diện tích sâm hiện có trên địa bàn? Làm sao để ngăn chặn được tình trạng sâm giả, sâm thật buôn bán tràn lan trên thị trường khi người trồng sâm giấu nhẹm những thông tin về sâm mình trồng? Khi chưa xác định được nguồn gốc, xuất xứ của sâm thì việc phát triển, bảo tồn sâm cũng không thể thực hiện. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Về vấn đề này thì trong thời gian tới, huyện sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra toàn bộ diện tích trồng sâm trên địa bàn huyện, kể cả các công ty để đưa công tác quản lý nhà nước cũng như công tác bảo tồn, phát triển sâm trong thời gian tới của huyện, nhất là giai đoạn 2016 – 2020 và các năm tiếp theo đi vào nề nếp, quản lý một cách chặt chẽ đầu ra, đầu vào để đảm bảo nguồn sâm, giống sâm trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông là phải chuẩn, không được trà trộn bất cứ giống sâm ngoại lai nào khác”.

Để công tác rà soát, thống kê diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện đạt hiệu quả, rất cần sự hợp tác, ý kiến thống nhất từ phía người dân và các đơn vị trồng sâm. Cùng với đó là tăng cường các mô hình liên kết trồng sâm giữa doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao chất lượng sâm trồng, góp phần bảo tồn, phát triển giống sâm Ngọc Linh hiện có. Ông Vương Văn Mười nói: “Đối với người dân, khuyến cáo trong giai đoạn hiện nay, thứ nhất là bà con không được mua tất cả nguồn giống sâm không nằm trong địa bàn huyện Tu Mơ Rông và không phải là nguồn giống sâm do Công ty Cỏ phần Sâm Ngọc Linh cung cấp. Vì hiện nay rất nhiều loại giống sâm là phía bắc đưa vào, hoặc Nam Trà My đưa qua, mình chưa kiểm nghiệm được, chưa biết được nguồn gốc, xuất xứ thì bà con hãy thận trọng trong quá trình mua giống sâm. Còn đối với bà con đã bảo tồn giống sâm tự nhiên, bà con đã di thực đến vùng trồng của mình rồi thì cố gắng trồng, khai thác hạt để ươm giống, phát triển. Trong thời điểm nay, bà con nên bảo tồn, phát triển nguồn sâm, không nên bán sâm non. Thứ nhất là nó sẽ mất đi giá trị của sâm. Thứ hai là giảm đi vùng phát triển sâm”.

Bảo tồn, phát triển nguồn sâm Ngọc Linh là việc cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Để làm được điều đó, cần quản lý tốt nguồn gen, xuất xứ của sâm trồng, mà bước đầu tiên chính là thống kê được toàn bộ diện tích sâm Ngọc Linh hiện có. Từ đây, hoạt động bảo tồn, nhân rộng sâm Ngọc Linh mới thực sự hiệu quả, bền vững.

Thu Trang – Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *