(kontumtv.vn) – Sở Y tế tỉnh Kon Tum vừa có kết luận chính thức về vụ việc bệnh nhân A Thiết, (35 tuổi, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai) tử vong sau 7 ngày điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ia H’Drai. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Đào Duy Khánh – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum.

PV: Thưa ông, kết luận chính thức của Sở Y tế về sự cố y khoa xảy ra ở Trung tâm Y tế huyện Ia H’Drai thời gian vừa qua là gì?

Ông Đào Duy Khánh: Vừa rồi chúng tôi đã tổ chức một đoàn xuống để xác minh nội dung này. Thứ nhất là khảo sát toàn bộ hồ sơ bệnh án, thứ hai là hỏi các nhân viên y tế chăm sóc. Thứ ba là trực tiếp tới nhà anh A Thiết. Sau khi về chúng tôi họp thống nhất thì có kết luận cuối cùng là bệnh nhân chết trong bệnh cảnh choáng nhiễm trùng, bệnh rất là nặng. Khi chúng tôi điều tra, đơn vị này mới xác nhập từ công ty cao su về chúng tôi. Trước đây đơn vị chủ yếu chăm sóc sức khỏe cho công nhân cao su, những bệnh thông thường, cho nên khi gặp bệnh khó cũng rất là khó. Khi kiểm tra thấy rằng trong từng khâu một thì cũng có một số sơ suất, nhưng đánh giá chung tổng thể thì cũng không đến nỗi gọi là tắc trách trong điều trị.

Ông Đào Duy Khánh trả lời phỏng vấn của PV
Ông Đào Duy Khánh trả lời phỏng vấn của PV

PV: Như vậy Sở Y tế có hướng xử lý như thế nào trước vấn đề này?

Ông Đào Duy Khánh: Trước tiên, theo phân cấp, chúng tôi đã gợi ý những nội dung cần phải kiểm điểm làm rõ. Ở dưới đó họ sẽ thành lập hội đồng đánh giá trở lại theo chỉ đạo của Sở Y tế. Đến mức kỷ luật thì phải kỷ luật theo quy định. Vì thực ra đối tượng bệnh nhân đây là trụ cột trong gia đình. Mất đi đây là một mất mát rất là lớn mà chúng ta không thể bù đắp được.

PV: Với gia đình bệnh nhân A Thiết, ngành Y tế tỉnh có hướng hỗ trợ, chia sẻ mất mát như thế nào?

Ông Đào Duy Khánh: Chúng tôi đã tới nhà anh A Thiết, tôi đã gặp chị Y Nạc, vợ anh A Thiết. Hiện nay, anh chị chỉ có một đứa con gái đang học lớp 7. Nhà anh chị đang ở là nhà tình thương xây dựng. Trong nhà chúng tôi thấy rằng cũng chưa có bàn ghế, chỉ có cái bàn tạm bợ để thờ anh A Thiết, tình cảnh rất đau buồn. Trong quá trình trao đổi với chị thì tôi biết được chị là một điều dưỡng sơ học, nên tôi đã bàn với Trung tâm Y tế huyện cố gắng có thể tạo điều kiện nếu chị sắp xếp được thì làm thêm công việc của Trung tâm để có thêm thu nhập. Có thể làm hộ lý hoặc cộng tác viên khu vực đó về công tác phòng, chống sốt rét thì gọi là có hỗ trợ phần nào trong vấn đề này.

PV: Thưa ông, qua sự cố y khoa ở Trung tâm Y tế huyện Ia H’Drai, ngành Y tế tỉnh rút ra được bài học gì?

Ông Đào Duy Khánh: Khi bệnh nhân mất đi, đó là một bài học rất lớn đối với ngành. Tôi đang đợi dưới đó anh em họp, kiểm điểm xong, làm rõ ra các nội dung sau đó chúng tôi sẽ họp toàn bộ ngành, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa để chúng ta rút kinh nghiệm, làm thế nào để có sự chẩn đoán cho bệnh nhân tốt hơn, cách chăm sóc tốt hơn và sự hỗ trợ tuyến trên với tuyến dưới như thế nào cho phù hợp. Và cái quan trọng chúng ta cố gắng trong điều kiện có thể tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân, làm thế nào tránh đi những trường hợp mất mát, đáng tiếc xảy ra.

PV: Vâng, cám ơn ông về cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *