(kontumtv.vn) – Nhờ tranh thủ tốt nguồn đầu tư của Trung ương, gắn với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là phát huy tốt nội lực, tỉnh Kon Tum đã đạt được kết quả khích lệ trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016- 2018.

Kết quả nổi bật trong thời gian qua đó là tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ trên 26% vào cuối năm 2015 giảm còn gần 16,5% vào cuối năm 2018. Theo đó có trên 15.500 hộ được thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Tỉ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số từ gần 47% vào cuối năm 2015 giảm còn trên 32% vào cuối năm 2018. Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc  Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum cho biết: “Công tác chỉ đạo hết sức quyết liệt, từ lãnh đạo tỉnh cho đến cơ sở và có nhiều cách chỉ đạo sát với thực tế. Trong đó tập trung vào một số nội dung cơ bản đó là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình có hiệu quả. Thứ hai là UBND tỉnh có kế hoạch rất cụ thể chỉ đạo cho các huyện trên cơ sở vùng kinh tế của mình để phát triển cây con giống, phát triển vùng dược liệu, vùng kinh tế tùy địa phương để phát triển sát nhất”.

Hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất
Hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất

Giai đoạn 2016-2018, tỉnh Kon Tum đã đầu tư trên 690 tỉ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững để phát triển tại các huyện, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, có trên 300 công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, hàng trăm công trình được duy tu bảo quản; gần 20.500 lượt hộ dân được hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi, được đào tạo nghề và tham gia xuất khẩu lao động. Từ nguồn lực này đã giúp huyện Sa Thầy giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân trên 6,7%/năm. Tính đến cuối năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo của huyện còn trên 20%, giảm gần 20% so với năm 2015. Theo đó có hơn 1.800 hộ dân tại huyện Sa Thầy được thoát nghèo. Bà Y Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy nói: “Trong thời gian qua, cùng với nguồn của Trung ương cùng với sự năng động, sáng tạo của địa phương trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia và sự lồng ghép các nguồn lực đã giúp địa phương thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về công tác giảm nghèo của huyện”.

Từ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đã có hàng ngàn lượt nông dân được đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định. Đặc biệt, có hàng trăm trường hợp hộ nghèo được tham gia xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các đề án phát triển cây công nghiệp và cây dược liệu đã từng bước phát huy hiệu quả. Đến nay, có hơn 1.140 hộ gia đình được hỗ trợ trồng mới hơn 300 ha cà phê xứ lạnh với kinh phí trên 8, 2 tỉ đồng. Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết: “Đề án đạt hiệu quả rất cao, năng suất bình quân trên 1 ha đạt khoảng 12-15 tấn, cá biệt có diện tích trồng giống TN1 đạt 20 tấn, thu được từ 60-80 triệu/ha, góp phần cho người dân xóa đói giảm nghèo”.

Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, cây dược liệu đã và đang là cây chủ lực giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và cũng là cây được nhiều địa phương xác định là cây mũi nhọn. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Huyện ủy đã có Chương trình 36 giai đoạn 2016-2020 xác định cây dược liệu là cây thế mạnh. Trên cơ sở đó UBND huyện đã ban hành kế hoạch phát triển, tập trung nhiều nguồn vốn Chương trình 30a, Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi”.

Trong lộ trình xóa đói giảm nghèo, tỉnh Kon Tum thực hiện có hiệu quả Chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất đến với hộ nghèo và gia đình chính sách. Giai đoạn 2016-2018 đã có hơn 37.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi với trên 1.920  tỷ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nhà ở, giải quyết việc làm. Cũng trong giai đoạn này có hơn 1.600 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí 43,6 tỉ triệu đồng để làm nhà ở. Trong đó, có gần 900 hộ được hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng kinh phí trên 22 tỉ đồng. Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo  tỉnh hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 729 hộ nghèo với kinh phí thực hiện gần  21,5 tỉ đồng.

Công tác giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2016-2018 với nhiều khởi sắc tiêu biểu như sự đổi thay về diện mạo trong từng khu dân cư, đời sống văn hóa tinh thần của người dân khu vực khó khăn từng bước được nâng cao; y tế, giáo dục khởi sắc; gần 76% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế; 86% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là cơ sở giúp tỉnh Kon Tum sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016- 2020.

Văn Hiển – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *