(kontumtv.vn) – Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ… có lợi thế của từng địa phương. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Đăk Tô (Kon Tum) trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP, các xã, thị trấn, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ liên kết đã mạnh dạn tham gia chương trình và đã mang lại những kết quả khả quan.

Triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, năm 2019, huyện Đăk Tô đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển sản xuất đặc trưng của địa phương góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn về nội dung, chủ trương, chính sách thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm đến các cấp, ngành và nhân dân, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện. Từ đó, các xã cũng đã xác định được những sản phẩm đặc trưng để định hướng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP. Ông Tưởng Văn Khanh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô cho biết: “Trong năm 2019 thì Phòng NN&PTNT tập trung tham mưu cho UBND huyện tuyên truyền, vận động các chủ thể phát triển các sản phẩm hiện có trên địa bàn. Tập trung hướng dẫn cho các chủ thể hoàn thiện các hồ sơ theo chương trình triển khai thực hiện sản phẩm OCOP”.

Giới thiệu sản phẩm Khổ qua rừng
Giới thiệu sản phẩm Khổ qua rừng

Đến nay, huyện Đăk Tô đã có 3 sản phẩm của 2 đơn vị được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đánh giá sản phẩm đạt tiêu chuẩn đề nghị Hội đồng cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng và cấp giấy công nhận. Đó là sản phẩm cà phê rang xay, đóng gói của Hợp tác xã Nông nghiệp, Dịch vụ và Thương mại Rạng Đông; sản phẩm Trà khổ qua rừng DATO, sản phẩm Khổ qua rừng đóng gói của Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên. Để có được kết quả đó đòi hỏi HTX, Công ty nỗ lực rất nhiều trong thời gian qua.

Riêng HTX Nông nghiệp, Dịch vụ và Thương mại Rạng Đông (khối 7, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) được thành lập từ năm 2018, với 9 thành viên tham gia. Từ khi thành lập HTX đã xác định nhu cầu của thị trường hiện nay chủ yếu về sản phẩm sạch và an toàn, vì vậy các thành viên HTX phải thay đổi lối trồng, chăm sóc cà phê truyền thống trước đây và chuyển sang sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ sinh học. Đồng thời, khi các thành viên liên kết lại với nhau sẽ giúp sản phẩm làm ra có số lượng, chất lượng và dễ tiêu thụ hơn. Ông Nguyễn Ngọc Đông, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp, Dịch vụ và Thương mại Rạng Đông nói: “Cũng xuất phát từ khó khăn, sản phẩm chúng tôi làm ra thì manh mún, mỗi người bán một kiểu, từ ý tưởng đó thì chúng tôi tập hợp lại với nhau thành một hợp tác xã thì nó có một tiếng nói, ta có thể mua chung, bán chung được, giá không bị thị trường ép. Mình tự quyết định được, tức là khi thành lập HTX thì ta đàm phán với những công ty để ta định giá cho phù hợp, có lợi cho các thành viên”.

Với sự đồng thuận, thống nhất, các thành viên HTX đã cùng nhau trồng, chăm sóc hơn 20 ha cà phê theo hướng hữu cơ sinh học. Mọi quy trình chăm sóc, thu hái đều được thống nhất để sản lượng và chất lượng cà phê được đảm bảo theo tiêu chuẩn cà phê sạch.

Ngoài trồng, chăm sóc cà phê, HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để lắp đặt dây chuyển sản xuất mới, chế biến phù hợp tiêu chuẩn, giữ được chất lượng, hương vị cà phê. Hiện HTX đã chế biến ra sản phẩm cà phê sạch, cà phê nguyên chất, rang xay đóng gói và có thể cạnh tranh với các sản phẩm của địa phương khác.

Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (khối 5, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) đã lựa chọn sản phẩm Khổ qua rừng để tham gia chương trình OCOP. Theo lãnh đạo công ty cho biết, thấy được tiềm năng, lợi thế về việc phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt là cây khổ qua rừng có nhiều ở tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Đăk Tô nói riêng nên đơn vị đã quyết định đầu tư để phát triển sản phẩm này. Bà Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên cho biết: “Theo mình nghiên cứu được biết thì công dụng của nó là hỗ trợ điều trị tiểu đường, mỡ máu và huyết áp, đồng thời nó giúp cho thanh lọc cơ thể. Từ những công dụng tuyệt vời của nó như vậy, trong khi đó cây này mọc hoang dại rất nhiều. Từ xuất phát điểm đó tôi có mong muốn đem cây khổ qua này trồng lên, phát triển nó thành cây dược liệu và đem đến giá trị thực sự cho người tiêu dùng”.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩn Trà khổ qua rừng DATO và sản phẩm Khổ qua rừng đóng gói, Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên đã liên kết với 4 hộ dân và trồng gần 1 ha khổ qua rừng. Lúc đầu, các hộ dân còn e ngại về lợi ích kinh tế mang lại khi trồng cây khổ qua rừng, tuy nhiên với chính sách thu mua 15.000đ/kg quả tươi và từ 7.000đ đến 10.000đ/kg ngọn khổ qua, người nông dân đã có nguồn thu nhập ổn định.

Có thể thấy, việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Đăk Tô đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện nay số lượng sản phẩm vẫn còn ít so với tiềm năng và lợi thế của địa phương và sản phẩm cũng mới bước đầu phát triển nên đầu ra còn khó khăn. Bà Lương Thị Mỹ Huệ mong muốn: “Nhà nước, các cơ quan chức năng tạo điều kiện để cho doanh nghiệp được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để phát triển thị trường trên cả nước. Cũng có mong muốn các cơ quan nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ về một số thiết bị máy móc, cũng như một số dây chuyền sản xuất trà rồi máy sấy hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Ngọc Đông đề nghị: “Tiến trình OCOP này cực kỳ quan trọng đối với HTX, bây giờ chúng tôi đã nỗ lực được cấp huyện rồi, nói chung là gần như được nửa chặng đường rồi thì cần phải nỗ lực hơn nữa. Rất mong làm sao các cấp chính quyền chung tay ủng hộ, giúp đỡ chúng tôi, nếu không có sự quan tâm của chính quyền thì khả năng chúng tôi cũng không thể làm được”.

Để các sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện Đăk Tô mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục hỗ trợ để chủ cơ sở phát triển sản phẩm theo các nội dung, phương án được phê duyệt; hỗ trợ hình thành các điểm, hệ thống giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP.

Ngọc Chí – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *