(kontumtv.vn) – Mùa khô năm 2016, huyện Sa Thầy có gần 1.500 giếng bị thiếu nước, hàng trăm giếng đào bị khô cạn, hậu quả là hàng nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nhằm khắc phục và xử lý triệt để tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô năm nay, huyện Sa Thầy đã chỉ đạo các xã và nhân dân trên địa bàn huyện triển khai tích cực nhiều giải pháp.

Mùa khô năm nay, huyện Sa Thầy tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại thôn Kà Bầy và thôn Lung Leng, xã Sa Bình. Trước tình hình đó, UBND huyện Sa Thầy đã chỉ đạo các xã trên địa bàn huyện, đặc biệt tại những vùng tái định cư bị thiếu nước năm 2016 tăng cường vận động, tuyên truyền bà con sử dụng nước tiết kiệm; chủ động nạo vét, khơi thông đáy giếng, đào thêm các giếng nước ở vùng thuận lợi. Đồng thời, huyện lồng ghép với Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên hỗ trợ bà con đào 48 giếng nước trên địa bàn 5 xã Ya Ly, Ya Xiêr, Ya Tăng, Mô Rai và Rờ Kơi, với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Chính quyền và nhân dân các xã đã nỗ lực hết sức để đảm bảo được nguồn nước sinh hoạt trong những ngày nắng hạn. Ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Sa Bình nói: “UBND xã đã tổ chức vận chuyển nước cho người dân, đặt bồn nước, chở nước hàng ngày cấp cho người dân, đảm bảo nước sinh hoạt cho bà con, không để người dân thiếu nước sinh hoạt”.

Cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn xã Sa Bình
Cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn xã Sa Bình

Tính đến thời điểm này, chỉ có xã Sa Bình bị thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, hơn một tháng nay, các giếng bị cạn vẫn chưa có nước trở lại, số hộ dân thiếu nước đã tăng lên gần 90 hộ. Với đặc điểm tầng đất, địa chất ở xã Sa Bình, việc đào giếng khơi để tìm nguồn nước là giải pháp không thể thực hiện được. Trước thực trạng nan giải đó, UBND huyện Sa Thầy đã tính đến giải pháp lâu dài, là xây dựng dự án cấp bách cấp nước sinh hoạt để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho bà con. Ông Nguyễn Hữu Thạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: “Năm 2017, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh cho đầu tư công trình nước sạch lấy ở hồ Plei Krông, Sa Bình để về cung cấp nước cho các xã Sa Bình, thị trấn, Sa Nghĩa và Sa Nhơn. UBND huyện cũng đã đề xuất với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh là thiết kế về cung cấp nước để ưu tiên số một ở thị trấn và ở xã Sa Bình. Trong năm 2017, dự án này sẽ hoàn thành, cung cấp đảm bảo nước sinh hoạt cho bà con trên địa bàn một số điểm trong dự án”.

Với kinh phí đầu tư 90 tỷ đồng, Trạm Cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy được thiết kế với công suất 5.100 m3 /ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 27.600 người. Hy vọng, với công trinh này, tình trạng thiếu nước tại xã Sa Bình sẽ được khắc phục triệt để và không còn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện vào mỗi mùa khô.

Thanh Thủy – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *