(kontumtv.vn) – Với chủ đề “Trường Sơn Tây Nguyên – Đoàn kết, bản sắc và phát triển”, Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 đã khai mạc vào tối 16/03 tại Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, huyện Kon Plông. Cùng với hơn 600 nghệ nhân, diễn viên, nghệ sĩ đến từ 19 tỉnh, thành phố trong cả nước, lễ khai mạc có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố. Về phía tỉnh Kon Tum có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm.

Đêm khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 diễn ra trong âm thanh hùng tráng của tiết mục đại diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên do 05 đoàn nghệ nhân đến từ các tỉnh Đắk Lắk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng và Kon Tum trình diễn. Tại Liên hoan lần này, không gian văn hóa cồng chiêng tiếp tục được tôn vinh và cồng chiêng cũng là loại nhạc cụ dân tộc được nhiều đoàn nghệ nhân trình diễn trong thời gian tham gia Liên hoan. Nghệ nhân Điểu Oanh, 62 tuổi, dân tộc Chơ Ro đến từ tỉnh Đồng Nai hào hứng cho biết:“Phần chung diễu hành của tất cả các đoàn tham gia Liên hoan thì đoàn Đồng Nai cũng cử một số nghệ nhân sử dụng cồng chiêng tại vì Chơ Ro của Đồng Nai thiên về cồng chiêng là nhiều cho nên có một bộ phận cồng chiêng biểu diễn theo lịch trình đã được bố trí đi theo thứ tự của Ban tổ chức. Đến tham gia Liên hoan, Đồng Nai mang đến rất nhiều dân ca, dân vũ của Chơ Ro, thi trai tài, gái đảm, thi bắn nỏ, nấu các món ăn truyền thống của Chơ Ro cũng như thi về biểu diễn cồng chiêng”.

Không chỉ được hòa mình vào không khí lễ hội với âm thanh trầm bổng, vang vọng của cồng chiêng, người dân và du khách còn được thưởng thức phần trình diễn  trang phục truyền thống, trang phục thường nhật của hơn 20 dân tộc anh em và nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc xoay quanh chủ đề “Trường Sơn Tây Nguyên – Đoàn kết, bản sắc và phát triển”. Là một trong 35 nghệ nhân dân tộc Khơ Me của tỉnh An Giang tham gia Liên hoan lần này, nghệ nhân Chi Sóc Hoanh cho biết: “Để cho mọi hoạt động, phong trào, đặc biệt là nghệ thuật dân tộc không bị mai một, bản thân mình thấy rằng chúng ta nên duy trì những hoạt động diễn xướng như thế này. Cái thứ nhất là kế thừa của đội ngũ trẻ, cái thứ 2 là phát huy, bên cạnh phát huy đó thì cần sáng tạo thêm nữa, học hỏi kinh nghiệm ở đơn vị bạn”.

Điểm nhấn trong đêm khai mạc liên hoan chính là phần diễn xướng văn hóa dân gian với các tiết mục “Trích nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ” của đoàn nghệ nhân Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc; hòa tấu nhạc cụ dân tộc với tựa đề “Lời chào bè bạn” của các nghệ sĩ đến từ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Kon Tum… Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 được tổ chức nhằm tiếp tục bảo tồn, truyền dạy, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên và đại diện một số dân tộc anh em trên toàn quốc. Ông Nguyễn Công Trung – Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Liên hoan diễn xướng các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên xuất phát điểm là liên hoan cấp khu vực dành cho 5 tỉnh Trường Sơn – Tây Nguyên. Trải qua 2 lần tổ chức đã có sức hút rất lớn. Chúng tôi hy vọng 04 ngày diễn ra tại thị xã vùng lõi của khu vực Trường Sơn Tây Nguyên sẽ là cái đại cảnh văn hóa đa sắc màu. Tất cả các hoạt động dân ca, dân vũ, ẩm thực, trang phục dân tộc và cả hoạt động thể chất diễn ra tại thị trấn Măng Đen trong 04 ngày, thời gian không nhiều, trong 1 không gian không rộng nhưng chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng trong đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung và thị trấn Măng Đen nói riêng”.

Trước khi diễn ra lễ khai mạc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ phát động, triển khai chủ đề “Xây dựng môi trường văn hoá cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là một trong các hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện văn hóa năm 2022 nhằm phát huy, phát triển văn hóa Việt Nam trong thời đại mới./.

Thu Trang – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *