(kontumtv.vn) –  Hiện tại Việt Nam đứng thứ 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên thế giới. Mỗi năm cả nước có gần 12.000 người tử vong do lao, cao hơn cả số người tử vong do tai nạn giao thông. Trước sự nguy hiểm của căn bệnh này, Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 năm nay, nêu cao thông điệp: “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao”, cùng với nhiều tỉnh thành trên cả nước, Khánh Hòa đang thực hiện nhiều giải pháp tiến tới thanh toán căn bệnh này. 

Sốt… Khó thở… thường xuyên ho ra máu với lượng máu ho lên từ 10 đến 20ml/lần… người đàn ông ở Khánh Hòa nhập viện trong tình trạng sức khỏe rất yếu và được chẩn đoán mắc lao. Thời gian đầu mắc bệnh, ông cảm thấy rất tự ti, mặc cảm. Tuy nhiên với sự động viên, tuyên truyền của y bác sĩ, ông tiếp cận điều trị tốt. Qua 3 tuần, sức khỏe của ông ngày càng khả quan hơn, các triệu chứng ho, sốt giảm rõ rệt. Bệnh nhân này cho biết:: “Chữa bệnh xong sức khỏe tôi rất tốt, giờ ăn uống, ngủ nghỉ được rồi. Cũng không còn ho ra máu nữa; chứ ban đầu vô ho ra máu nhiều lắm. Bệnh 10 phần thì bây giờ đỡ cũng khoảng 8,9 phần rồi”.

Điều trị cho bệnh nhân lao
Điều trị cho bệnh nhân lao

Năm 2018, Khánh Hòa là một trong những tỉnh thành dẫn đầu cả nước về công tác phòng chống lao với tỷ lệ điều trị thành công đạt gần 97%, tỷ lệ bỏ điều trị là 0,07% – thấp nhất trong 20 năm qua. Để có được kết quả này, đội ngũ y bác sỹ vừa phải đảm bảo công tác chuyên môn, vừa phải dành thời gian trò chuyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người bệnh. Đặc biệt, toàn tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng được 9 tổ chống lao ở cả 8 huyện thị, thành phố; thực hiện công tác dự phòng, phát hiện sớm nguồn bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng. Ngoài ra, những kỹ thuật tiên tiến trong điều trị lao như: kỹ thuật thở máy không xâm nhập dưới 8 giờ; xét nghiệm nhanh và chính xác các thể lao ngoài phổi khó chẩn đoán; nuôi cấy tế bào lao trong môi trường lỏng… cũng đã được triển khai thành công tại Khánh Hòa. Bác sỹ Lê Thị Khánh, Trưởng khoa Điều trị nội trú, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa nói: “Trước đây, hầu hết những bệnh nhân mới phát hiện bệnh đều có tâm lý e ngại, giấu bệnh, thường xuyên bỏ trị giữa chừng, thì hiện nay, bằng việc tăng cường truyền thông, với chương trình Phòng chống lao quốc gia, người dân ngày càng hiểu rõ hơn về bệnh lao. Họ tìm đến điều trị bệnh sớm hơn, đây cũng chính là 1 trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ điều tri thành công tăng cao”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường nguồn hỗ trợ từ Chương trình chống lao Thế giới, chương trình chống lao của các tổ chức nước ngoài để đảm bảo duy trì tốt hơn cho công tác điều trị bằng kỷ thuật cao để chẩn đoán giảm tỉ lệ tử vong. Ngoài ra sẽ tiếp tục ứng dụng klhoa học kỹ thuật trong công tác điều trị bệnh lao, phát hiện bệnh sớm và có những phác đồ điều trị phù hợp, cắt đứt nguồn lây cho cộng đồng”. Bác sĩ Hồ Tá Phương, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Dù thực hiện nhiều giải pháp phòng chống lao, nhưng trên thực tế công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, khi tại cộng đồng vẫn còn rất nhiều người mắc lao chưa được phát hiện và tiếp cận điều trị do mặc cảm, tự ti. Bởi vậy, để tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao trong thời gian tới, thì mấu chốt không chỉ là phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng, mà còn là sự hỗ trợ, chia sẻ từ cộng đồng để người mắc lao không còn mặc cảm, có thể yên tâm điều trị bệnh, từ đó mới hạn chế được nguồn lây cho cộng đồng.

           

Thanh Quý – Ngọc Ánh

Đài PT-TH Khánh Hòa

                                                                  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *