(kontumtv.vn) – Bộ Chính trị phân công cán bộ tham gia Thường trực Ban Bí thưtrong thời gian ông Đinh Thế Huynh, người đang giữ chức trách này, điều trị bệnh.

Theo văn bản số 37-TB/TW do Chánh văn phòng TƯ Nguyễn Văn Nên ký ngày 30/7, thông báo ý kiến của Bộ Chính trị, tại phiên họp ngày 28/7, sau khi xem xét đề nghị của Ban Tổ chức TƯ về việc phân công ủy viên Bộ Chính trị tham gia Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã quyết định: “Trong thời gian đồng chí Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư điều trị bệnh, phân công đồng chí Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ tham gia Thường trực Ban Bí thư.

Đồng chí Trần Quốc Vượng bắt đầu thực hiện nhiệm vụ theo quy định kể từ ngày 1/8/2017″.

20170801223524-1
Ông Trần Quốc Vượng tham gia Thường trực Ban Bí thư. Ảnh: Hoàng Anh

Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Bí thư có nhiệm vụ lãnh đạo công việc hằng ngày của Đảng, với các nội dung sau: Chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và công tác quần chúng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chỉ đạo sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị; quyết định một số vấn đề về tổ chức, cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của Ban Chấp hành trung ương; chỉ đạo hoặc kiểm tra việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính trị thảo luận và quyết định.

Nhân sự Ban Bí thư gồm Tổng bí thư, một số ủy viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công, và các ủy viên khác do Ban Chấp hành trung ương bầu trong số ủy viên trung ương đương nhiệm. Trong số này, Bộ Chính trị phân công một ủy viên Bộ Chính trị làm Thường trực Ban Bí thư.

Phối hợp, bọc lót

Nguồn tin có hiểu biết sâu sắc hệ thống và sinh hoạt, cách thức làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân tích với VietNamNet: “Ban Bí thư là một tập thể. Đứng đầu, điều hành tập thể ấy là Tổng bí thư và Thường trực Ban Bí thư, trong đó Thường trực Ban Bí thư phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư. Do đó, khi Thường trực Ban Bí thư đi công tác vắng hoặc nghỉ ốm thì trong nội bộ có thể hỗ trợ, bọc lót cho mọi việc trôi chảy. Nhưng trong trường hợp này là nghỉ ốm chưa biết bao lâu, nên cần phân công người tham gia nhiều hơn, chủ yếu hơn công việc của Thường trực Ban Bí thư. Việc quan trọng, Tổng bí thư vẫn tiếp tục choàng gánh”.

Ông Đinh Thế Huynh sinh tháng 5/1953, nay 64 tuổi. Ông là ủy viên Trung ương Đảng từ khóa 9 đến nay, và đang là ủy viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ thứ hai. Trước khi được phân công làm Thường trực Ban Bí thư khóa này, ở khóa trước, ông là Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ.

Ông Trần Quốc Vượng hơn ông Đinh Thế Huynh ba tháng tuổi, là ủy viên Trung ương Đảng từ khóa 10, và đang là ủy viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ đầu tiên. Trước đó, giữa khóa 11, khi đang là Chánh văn phòng TƯ, ông được bầu bổ sung vào Ban Bí thư.

Ngoài một nhiệm kỳ làm Phó viện trưởng thường trực rồi Viện trưởng VKSND Tối cao (2006-2011), ông Trần Quốc Vượng có quá trình gắn bó, làm việc lâu dài ở Văn phòng TƯ Đảng – cơ quan tham mưu, giúp việc trực tiếp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành TƯ.

Cùng với trải nghiệm này, từ khi được Ban chấp hành TƯ khóa 12 bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ đến nay, ông có những nỗ lực cùng tập thể cơ quan kiểm tra trung ương của Đảng đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, kỷ luật, theo nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội 12 nhấn mạnh thành tiêu đề: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh…”. Kết quả công tác của Ủy ban Kiểm tra TƯ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá khá tích cực trong hội nghị sơ kết, cách đây hai tuần.

Nghĩa Nhân/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *